Apple Watch chưa bán, hàng “nhái” đã xuất hiện tràn lan tại Trung Quốc

(Dân trí) - Mặc dù phải đến 24/4 tới đây Apple Watch mới được bán ra thị trường, người dùng tại Trung Quốc đã có thể mua những chiếc Apple Watch “nhái” có kiểu dáng giống hệt sản phẩm của Apple, với mức giá chỉ bằng 1/10 so với sản phẩm thực tế.

Apple Watch đang là một trong những thiết bị công nghệ được quan tâm nhất hiện nay, do vậy không quá ngạc nhiên khi sản phẩm trở thành mục tiêu làm nhái của các hãng điện tử Trung Quốc. 

Người dùng tại Trung Quốc khi đến các khu chợ điện tử tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) hoặc ghé thăm các trang thương mại điện tử tại nước này không quá khó để có thể tìm thấy những chiếc Apple Watch đang được rao bán với mức giá từ 250 đến 500 Nhân Dân Tệ (tương đương 40 đến 80USD), chỉ hơn 1/10 so với mức giá Apple Watch hiện nay (giá khởi điểm 350USD).

Những chiếc smartwatch với tên gọi Ai Watch và D iWatch là sản phẩm của các hãng điện tử Trung Quốc, được thiết kế hoàn toàn dựa trên thiết kế gốc của Apple Watch. Sản phẩm hoạt động trên nền tảng Android, với giao diện được thiết kế lại giống hệt giao diện trên Apple Watch. Nếu không chú ý kỹ, rất khó để nhận ra đây không phải là sản phẩm thực sự của Apple.

Apple Watch chưa bán, hàng “nhái” đã xuất hiện tràn lan tại Trung Quốc
Apple Watch chưa bán, hàng “nhái” đã xuất hiện tràn lan tại Trung Quốc
D iWatch (trên) và Ai Watch có thiết kế giống hệt Apple Watch, với các tính năng tương tự sản phẩm thực tế

“Những người này là các chuyên gia”, Laurent Le Pen, nhà sáng lập và CEO của hãng smartphone Omate, có trụ sở tại Thâm Quyến, nhận xét. “Tốc độ để họ mang những sản phẩm sao chép ra thị trường thật đáng kinh ngạc”.

Theo Le Pen việc sao chép về phần cứng và thiết kế bên ngoài không phải là vấn đề phức tạp, mà cái khó là phần mềm, tính năng và ứng dụng trên các sản phẩm. Le Pen nhận định theo thời gian, các công ty làm nhái càng tạo ra những sản phẩm gần hơn với các sản phẩm thực tế.

“Phần cứng không phải là thử thách, phần khó nằm ở mặt phần mềm và ứng dụng”, Le Pen nhận xét. “Đến một lúc, bạn sẽ cần những chuyên gia thực sự để tìm ra điểm khác biệt giữa sản phẩm thực tế và hàng giả”.

Các sản phẩm giả mạo này bên cạnh việc xuất hiện ở các cửa hàng ven đường còn được bán công khai trên các trang web thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc như Alibaba hay Taobao... Mặc dù các trang thương mại điện tử này liên tục xóa bỏ những sản phẩm nhái được rao bán, tuy nhiên các sản phẩm vẫn liên tục được đưa trở lại trên các gian hàng.

Trên thực tế, nhiều người dùng tại Trung Quốc lại lựa chọn các sản phẩm nhái, nhưng có giá rẻ, thay vì chọn các sản phẩm thực sự với mức giá cao hơn, khi mà trên thực tế cả thiết kế lẫn tính năng giữa sản phẩm thực sự và sản phẩm nhái là không quá khác biệt. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân giúp sản phẩm nhái vẫn luôn tồn tại ở Trung Quốc.

Trước đó, sản phẩm Apple luôn là mục tiêu làm nhái của các hãng điện tử Trung Quốc. Thậm chí, nhiều sản phẩm của Apple đã xuất hiện tại thị trường Trung Quốc trước khi Apple thực sự công bố sản phẩm. Các hãng điện tử Trung Quốc thường xuyên dựa trên các tin đồn, hình ảnh bị rò rỉ về các sản phẩm mới của Apple, sau đó sản xuất các sản phẩm dựa trên các tin đồn đó, như một cách “đi tắt” trước khi Apple trình làng sản phẩm thực sự.

Ngoài Apple, các sản phẩm của Samsung, HTC hay LG... cũng thường xuyên bị làm nhái và bán công khai tại Trung Quốc với mức giá rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm thực tế.

T.Thủy