1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Apple có thể bị phạt nặng nếu không mở khóa iPhone khi được chính phủ yêu cầu

(Dân trí) - Các chính trị gia tại Pháp đang kêu gọi một án phạt nặng hơn nhằm vào các công ty công nghệ nếu những công ty này không hỗ trợ nhà chức trách trong việc điều tra tội phạm, để đề phòng trường hợp tương tự như vụ việc đang tranh cãi giữa Apple và FBI tại Mỹ.

Các chính trị gia Pháp đang tranh luận biện pháp trừng phạt mới cứng rắn hơn nhằm vào Apple nếu hãng không tuân theo lệnh của tòa án yêu cầu mở khóa một chiếc iPhone trong trường hợp điều tra chống khủng bố.

Yann Galut, một thành viên của Đảng Xã hội Pháp đang kêu gọi một sửa đổi luật pháp tại quốc gia này, có thể phạt Apple số tiền lên đến 1 triệu Euro (1,1 triệu USD) cho mỗi chiếc iPhone mà “quả táo” từ chối mở khóa khi được yêu cầu nhằm phục vụ công tác điều tra các vụ án hình sự.

Đòn trừng phạt nặng vào kinh tế sẽ khiến các hãng công nghệ lớn như Apple cảm thấy lo sợ?
Đòn trừng phạt nặng vào kinh tế sẽ khiến các hãng công nghệ lớn như Apple cảm thấy lo sợ?

Trong bài trả lời phỏng vấn với tờ báo Le Parisien của Pháp, Galut khẳng định các hãng công nghệ như Apple và Google bắt buộc phải cung cấp quyền truy cập vào nội dung được lưu trữ trên các thiết bị di động đã được khóa, hoặc sẽ phải đối mặt với án phạt nặng về tài chính.

“Chúng ta đang phải đối mặt với một khoảng trống pháp lý khi nói đến mã hóa dữ liệu và nó đang ngăn chặn những cuộc điều tra tư pháp”, Galut cho biết trong bài phỏng vấn. “Chỉ có tiền phạt mới cuộc các công ty vô cùng mạnh mẽ như Apple hay Google thực hiện theo yêu cầu”.

“Các công ty đang lấy lý do phải bảo vệ sự riêng tư của người dùng, nhưng trên thực tế họ đang sử dụng những dữ liệu cá nhân mà mình thu thập được từ người dùng cho các mục đích thương mại”, Galut chỉ trích các hãng công nghệ lớn.

Yann Galut cho biết nếu luật mới được thông qua, tòa án sẽ ra lệnh cho Apple và các nhà sản xuất thiết bị khác phải cung cấp một công cụ để mã hóa các thiết bị cụ thể trong một cuộc điều tra hình sự. Chính trị gia này nói thêm rằng cảnh sát sẽ không có “chìa khóa tổng” để có thể truy cập vào mọi thiết bị, mà chỉ có thể sử dụng trong những thiết bị ở từng vụ điều tra cụ thể.

Trong khi đó một chính trị gia khác của Pháp là Eric Ciotti thậm chí còn kêu gọi mức án phạt 2 triệu Euro và cấm tiếp thị mọi sản phẩm và dịch vụ trong vòng một năm nếu hãng công nghệ nào từ chối hỗ trợ các nhà chức trách điều tra các vụ án hình sự. Ciotti còn cho rằng vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào Paris hồi tháng 11 năm ngoái có thể sẽ không xảy ra nếu các thành phần khủng bố không giao tiếp với nhau qua các công cụ đã được mã hóa.

Được biết cảnh sát Pháp đã không thể truy cập vào dữ liệu của 8 chiếc điện thoại trong các cuộc điều tra khủng bố vào năm ngoái.

Động thái này của Pháp nhằm tránh những trường hợp tương tự như vụ việc đang gây tranh cãi tại Mỹ, khi Apple đã từ chối yêu cầu của tòa án Mỹ mở khóa chiếc iPhone 5C thuộc về nghi phạm thực hiện vụ xả súng vào tháng 12 năm ngoái.

Ngoài Pháp, chính phủ Anh cũng đang thảo luật một sự sửa đổi luật để cung cấp cho các cơ quan tình báo của quốc gia này có thêm quyền lực để thư thập dữ liệu, tuy nhiên điều này có thể làm ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của các hãng công nghệ lớn đang hoạt động tại Anh.

T.Thủy