Apple cắt giảm cáp và sạc của iPhone - Vì lợi nhuận hay vì môi trường?

(Dân trí) - Apple đã cắt giảm tai nghe và sạc khi bán ra iPhone 12, với lý do bảo vệ môi trường. Nhưng nhiều người lại cho rằng lợi nhuận mới là mục đích chính cho quyết định của Apple.

Không giống như những đời iPhone trước đây, loạt iPhone 12 sẽ chỉ bán ra kèm cáp chuyển USB-C sang Lightning, chứ không kèm theo tai nghe, cáp và củ sạc. Apple cho biết việc loại trừ sạc và tai nghe sẽ làm giảm thiểu việc khai thác, đóng gói và lượng khí thải carbon dioxide liên quan đến việc sản xuất các phụ kiện này.

Quyết định cắt giảm phụ kiện trên iPhone 12 (và toàn bộ những phiên bản iPhone đời cũ đang được bán ra thị trường như iPhone XR, iPhone 11 và iPhone SE 2020) là động thái mới nhất mà Apple đã thực hiện để trở thành công ty thân thiện hơn với môi trường, đồng thời tuân theo một cam kết quan trọng mà Apple đã đưa ra vào tháng 7 vừa qua, đó là hạn chế lượng khí thải nhà kính và cắt giảm lượng rác thải điện tử.

Apple cắt giảm cáp và sạc của iPhone - Vì lợi nhuận hay vì môi trường? - 1

Sạc và tai nghe, những phụ kiện quen thuộc khi mua smartphone, sẽ không còn xuất hiện trong hộp đựng của iPhone 12

Động thái của Apple đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường, tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, bảo vệ môi trường không phải là mục đích duy nhất Apple đang hướng đến, mà quan trọng hơn đó chính là lợi nhuận cho công ty.

Angelo Zino, chuyên gia phân tích thị trường của công ty nghiên cứu đầu tư CFRA Research cho biết: “Apple làm điều này (loại bỏ phụ kiện trên iPhone) như một hành động thân thiện môi trường, nhưng đây cũng là một động thái vì mục đích tài chính”.

Lần đầu tiên, toàn bộ dòng điện thoại mới của Apple đều được hỗ trợ mạng 5G, điều này làm cho việc sản xuất iPhone 12 trở nên đắt hơn so với các phiên bản cũ, vì những linh kiện hỗ trợ cho công nghệ mạng 5G phức tạp và tốn kém hơn.

Angelo Zino ước tính rằng chỉ riêng các bộ phận linh kiện hỗ trợ cho kết nối mạng di động trong iPhone 12 mới sẽ đắt hơn từ 30 đến 35% so với những chiếc iPhone trước đó. “Apple sẽ tìm cách cắt giảm chi phí ở những thành phần khác của điện thoại”, Zino nhận xét.

Quyết định cắt giảm sạc và tai nghe khi bán iPhone 12 là một cách để cắt giảm chi phí. Gene Munster, chuyên gia phân tích tại công ty đầu tư mạo hiểm Loup Ventures, cho biết nếu việc cắt giảm phụ kiện có thể giúp Apple tăng thêm 1% lợi nhuận trên mỗi chiếc iPhone 12 được bán ra, đó vẫn là một khoản lợi nhuận rất lớn.

“Tôi nghĩ điều này là một động thái để duy trì lợi nhuận hiện tại của Apple”, Munster nói.

Cắt giảm phụ kiện trên iPhone, Apple đang vì môi trường hay vì lợi nhuận?

Dù không kèm theo sạc và tai nghe khi bán iPhone 12, Apple lại bán riêng các loại phụ kiện này cho những ai có nhu cầu. Nếu mọi người vẫn quyết định mua tai nghe AirPods vì họ chưa có tai nghe, thì đó là một chiến thắng lớn cho Apple, nhưng lại không phải cho môi trường. Nếu lượng điện thoại Apple bán được trong năm nay gần bằng số bán ra trong năm 2018, khoảng 217 triệu chiếc và chỉ 5% trong số đó quyết định mua thêm Airpods, Apple có thể kiếm thêm 700 triệu USD lợi nhuận.

Vấn đề là việc mua riêng sạc hoặc tai nghe có thể đồng nghĩa với việc có thêm nhiều rác thải sử dụng cho việc đóng gói và nhiều khí thải hơn từ việc giao hàng riêng các sản phẩm này. Lượng rác thải này còn lớn hơn nếu nếu người tiêu dùng quyết định mua phụ kiện được cung cấp từ các hãng sản xuất khác, thay vì mua từ chính Apple. Điều đó không hẳn làm giảm tổng lượng khí thải, mà nó chỉ chia đều lượng khí nhà kính ra thành nhiều công ty khác nhau.

Apple cắt giảm cáp và sạc của iPhone - Vì lợi nhuận hay vì môi trường? - 2

Hộp đựng của iPhone 12 sẽ nhỏ và nhẹ hơn vì đã bị cắt giảm các phụ kiện

Có một lý do khác khiến việc loại bỏ phụ kiện có thể không làm cắt giảm khí nhà kính nhiều như Apple dự đoán. iPhone 12 mới sẽ được vận chuyển trong bao bì nhỏ hơn và nhẹ hơn vì hộp của nó chứa ít đồ hơn. Điều đó cho phép số lượng vận chuyển iPhone từ nhà máy đến cửa hàng được nhiều hơn trước đây (do hộp đựng nhỏ và nhẹ hơn nên có thể xếp được nhiều hơn vào thùng chứa). Theo suy luận của Apple, vận chuyển được nhiều iPhone hơn sẽ giúp giảm số chuyến hàng cần đi và ít gây ô nhiễm từ các phương tiện vận chuyển.

Tuy nhiên, theo Sara Behdad, phó giáo sư khoa học kỹ thuật môi trường tại Đại học Florida , điều này có thể diễn ra khác trong đời thực.

“Việc vận chuyển iPhone 12 đến các cửa hàng dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường. Mật độ lấp đầy của một thùng hàng có thể phụ thuộc vào số lượng điện thoại mà một nhà bán lẻ nghĩ rằng họ sẽ bán được và không gian kho còn trống của họ. Vì vậy, bao bì nhỏ hơn không hẳn dẫn đến việc giảm đáng kể lượng khí thải sinh ra do quá trình vận chuyển”, Behdad nhận xét.

Còn theo Scott Cassel, Giám đốc điều hành của Viện quản lý sản phẩm phi lợi nhuận, Apple có nhiều cách thiết thực hơn để giảm lượng rác thải điện tử, thay vì cắt giảm sạc và tai nghe như hiện tại. Chẳng hạn giúp tái chế các sản phẩm và phụ kiện của mình một cách dễ dàng hơn hoặc tăng tuổi thọ các sản phẩm, để người dùng gắn bó với sản phẩm đủ lâu hơn, thay vì chỉ có thể sử dụng trong một thời gian ngắn và loại bỏ để chuyển sang một sản phẩm mới hơn.

Quyết định cắt giảm phụ kiện trên iPhone 12 của Apple vẫn đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Dĩ nhiên, với những người dùng bình thường, họ khó có thể nhìn thấy được những lợi ích về mặt môi trường từ động thái này của Apple, nhưng nhiều người cảm thấy không hài lòng khi giờ đây phải chi tiền để mua thêm những thứ phụ kiện mà trước đây vẫn được tặng kèm miễn phí.

Trong khi đó, với những người yêu thích smartphone Android, họ cũng lo lắng rằng các hãng smartphone khác sẽ học theo động thái của Apple và cắt giảm các phụ kiện trên sản phẩm của mình trong tương lai.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm