Ấn Độ cấm TikTok, WeChat và hàng loạt ứng dụng phổ biến của Trung Quốc

(Dân trí) - Trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang, chính phủ Ấn Độ đã ban lệnh cấm hàng loạt ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ vừa ban hành lệnh cấm đối với hàng loạt ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm cả những ứng dụng phổ biến như TikTok, WeChat, UC Browser, Meitu… mà theo Ấn Độ là những ứng dụng này ảnh hưởng đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.

Tổng cộng đã có 59 ứng dụng của Trung Quốc bị đưa vào danh sách cấm.

Ấn Độ cấm TikTok, WeChat và hàng loạt ứng dụng phổ biến của Trung Quốc - 1

Bị cấm tại Ấn Độ sẽ khiến TikTok mất đi một lượng lớn người dùng

Quyết định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến TikTok, mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay, bởi lẽ Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất của TikTok. Theo số liệu thống kê của hãng nghiên cứu thị trường SensorTower tính đến tháng 4/2020, 30% trong tổng số 2 tỷ lượt tải TikTok đến từ người dùng Ấn Độ.

“Vì sự an toàn, an ninh, quốc phòng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, cũng như để bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng Ấn Độ, chính phủ đã quyết định cấm 59 ứng dụng di động có nguồn gốc Trung Quốc”, Ravi Shankar Prasad, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ chia sẻ.

Bộ trưởng bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ cho biết quyết định được đưa ra sau khi bộ nào nhận được khuyến nghị từ Trung tâm Điều phối Tội phạm Mạng Ấn Độ và Bộ Nội vụ khi những cơ quan này phát hiện thấy “những rủi ro về bảo mật và quyền riêng tư” đối với các ứng dụng từ Trung Quốc.

Ngay sau khi ban hành lệnh cấm, tài khoản chính thức của chính phủ Ấn Độ trên TikTok với hơn 1,1 triệu người theo dõi cũng lập tức bị xóa bỏ.

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ cấm ứng dụng TikTok. Năm ngoái, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Google và Apple gỡ bỏ TikTok ra khỏi ứng dụng của mình tại Ấn Độ vì lo ngại các nội dung khiêu dâm trên nền tảng mạng xã hội này. Các nhà lập pháp Ấn Độ cho rằng TikTok đang khuyến khích và truyền bá những nội dung khiêu dâm và suy thoái văn hóa. Tuy nhiên, lệnh cấm đã được dỡ bỏ chỉ sau một tuần.

Căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng lên rất cao sau cuộc đụng độ giữa binh sĩ hai bên khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.

Các hãng công nghệ bị tẩy chay tại Ấn Độ, tham vọng “ con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ

Sau khi căng thẳng biên giới giữa hai bên tăng cao, người dùng tại Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chay những sản phẩm của Trung Quốc, trong đó có các sản phẩm công nghệ và thiết bị di động.

Hiện Ấn Độ là một trong những thị trường di động lớn nhất thế giới, đặc biệt là phần khúc tầm trung và giá rẻ, là phân khúc mà các hãng smartphone của Trung Quốc chiếm ưu thế. Tuy nhiên, làn sóng tẩy chay smartphone Trung Quốc của người dùng Ấn Độ sẽ khiến các hãng smartphone của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Một số hãng smartphone như Xiaomi, Oppo, Vivo… đã phải hoãn ra mắt smartphone mới tại thị trường Ấn Độ vì làn sóng tẩy chay sản phẩm của mình.

Ấn Độ cấm TikTok, WeChat và hàng loạt ứng dụng phổ biến của Trung Quốc - 2

Cửa hàng Xiaomi tại Ấn Độ phải treo biển “Made in India” để “lấy lòng” người dân tại quốc gia này

Trong khi đó, một số hãng smartphone Trung Quốc đặt nhà máy tại Ấn Độ như Xiaomi đang cố gắng từ bỏ “gốc gác Trung Quốc” của mình và nhấn mạnh sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ, như một cách để tránh bị người dùng Ấn Độ tẩy chay, nhưng trên thực tế giải pháp này cũng không hiệu quả.

Một số nhà phân tích thị trường dự đoán, nếu căng thẳng tiếp tục tăng cao và sản phẩm công nghệ của Trung Quốc bị tẩy chay, thậm chí bị cấm tại Ấn Độ, tham vọng “con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc có thể bị sụp đổ.

“Con đường tơ lụa kỹ thuật số” là sáng kiến của hãng công nghệ Trung Quốc, được khởi xướng từ năm 2019, là sự kết hợp các chương trình của Chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc và kết nối mạng công nghệ của Trung Quốc và các quốc gia khác, kéo dài từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến vùng Vịnh và châu Phi.

T.Thủy
Theo NDTV/The Verge