Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2016:

“Ai cũng có thể trở thành IP Man”

(Dân trí) - “Sở hữu trí tuệ là công cụ vô cùng hữu hiệu nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thành quả sáng tạo cần được đãi ngộ công bằng và xứng đáng thông qua các thể chế chặt chẽ và phù hợp” – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh tại chuỗi sự kiện “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016 tại Việt Nam”

Sự kiện “Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới" 26/4 năm nay được gắn với hình tượng chính là “IP Man” nhằm kêu gọi cộng đồng xã hội cùng hành động bảo vệ các quyền và tài sản sở hữu trí tuệ.

“Ai cũng có thể trở thành IP Man” cũng là thông điệp của chuỗi sự kiện “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016 tại Việt Nam” vừa được diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội sáng ngày 23/4. Các hoạt động chính của sự kiện là triển lãm sáng tạo số, tọa đàm về Sở hữu trí tuệ, sáng tạo số và khởi nghiệp cùng các chương trình biểu diễn âm nhạc điện tử.

Sự kiện thu hút khoảng 1.000 người tham gia, bao gồm lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Thông tin truyền thông, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam, đại diện một số bộ ngành, cán bộ thanh niên liên quan và các doanh nhân hoạt động, kinh doanh trong các ngành công nghiệp sáng tạo và đông đảo sinh viên. Đặc biệt năm nay chương trình còn có sự tham dự của đại diện Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ nhận định, khoa học và công nghệ đổi mới và sáng tạo là đòn bẩy cho công cuộc tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng trên thế giới đòi hỏi đầu tư lâu dài và thỏa đáng vào việc phát triển năng lực công nghệ tiên tiến và hoạt động nghiên cứu triển khai.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng cục sử hữu trí tuệ Trần Việt Thanh phát biểu tại sự kiện.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng cục sử hữu trí tuệ Trần Việt Thanh phát biểu tại sự kiện.

Tính đến năm 2015, Việt Nam đang đứng thứ 52/141 quốc gia trong Bảng xếp hạng và chỉ có khoảng 20-30% số doanh nghiệp Việt có hoạt động đổi mới sáng tạo. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu nhờ yếu tố lao động phổ thông và tài nguyên, trong khi đó các yếu tố công nghệ và tri thức còn ít, dẫn đến năng lực cạnh tranh không cao.

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, sở hữu trí tuệ là công cụ vô cùng hữu hiệu nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thành quả sáng tạo cần được đãi ngộ công bằng và xứng đáng thông qua các thể chế chặt chẽ và phù hợp. Có như vậy, các nhà sáng tạo mới có động lực và lòng tin đầu tư công sức và tiền bạc cho hoạt động nghiên cứu, tạo ra các kết quả sáng tạo, ứng dụng chúng và từ đó mang lại lợi ích cho chính họ và xã hội.

Một số khách mời đại diện chia sẻ tại sự kiện
Một số khách mời đại diện chia sẻ tại sự kiện

Đại diện Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), cũng cho biết: “Việc tổ chức sự kiện ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016, góp phần tìm ra các cách thức và phương tiện để đánh giá sở hữu trí tuệ trong thương mại hóa các nghiên cứu và hỗ trợ đổi mới quốc gia. Từ suy nghĩ trên, WIPO đang vận hành các chương trình và hoạt động khác nhau nhằm hỗ trợ sáng tạo số. WIPO đang vận hành ba cơ sở dữ liệu toàn cầu quan trọng, được gọi là Patentscope, Cơ sở dữ liệu Nhãn hiệu Toàn cầu và Cơ sở dữ liệu Kiểu dáng Toàn cầu.”.

Sự kiện Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 đặc biệt có ý nghĩa quan trọng nhằm phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội. Thông qua đó thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, xa hơn là sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp, nền kinh tế sáng tạo cho Việt Nam.

“Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26 tháng 4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về IP trên toàn thế giới. Kể từ đó, “IP Day” đã trở thành một ngày mà mọi người trên thế giới này cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của IP đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.

Năm 2016, WIPO chọn lĩnh vực Digital (công nghệ số) là chủ đề của “IP Day” để kêu gọi hành động với khẩu hiệu “Digital Creativity: Culture Reimagined.” (Sáng tạo số: Tái hiện văn hóa).

Nguyễn Hùng - Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm