1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

ADSL chỉ còn là cuộc chơi của các “đại gia”

Trong gần 20 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), hiện mới chỉ có 5 ISP cung cấp dịch vụ Internet băng rộng là VNPT, FPT, Viettel, SPT và NetNam.

Nhưng giờ đây SPT và NetNam gần như đã rút khỏi thị trường này bởi không chịu nổi cảnh càng cung cấp dịch vụ càng lỗ trong cơn lốc giảm giá của các "đại gia". 

Bày tỏ thái độ bức xúc khi trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam, ông Trần Bá Thái, Giám đốc NetNam cho biết: doanh nghiệp này cũng chỉ mới tham gia vào thị trường dịch vụ ADSL, nhưng đã phải vội vã rút chân ra khỏi thị trường này bởi không thể nào đủ sức tham gia cuộc đấu về giá giữa các đại gia.  

Theo tính toán của NetNam, hiện dịch vụ ADSL đã rẻ hơn dịch vụ dial up tới 5 lần. 

“Giá dịch vụ ADSL đã được các nhà khai thác lớn giảm xuống gần bằng tiền đi thuê kênh thì làm sao mà các doanh nghiệp như chúng tôi kinh doanh nổi. Như vậy, thị trường ADSL sẽ chỉ còn là sân chơi của VNPT, FPT và Viettel”, ông Thái nói.   

Cũng chẳng sáng sủa hơn tình cảnh của NetNam, SPT cũng đã tuyên bố không tham gia thị trường dịch vụ ADSL bởi không đủ sức chạy đua.  

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Phó tổng giám đốc SPT cho biết: “Với giá cước mà các doanh nghiệp đưa ra sẽ không còn đất sống cho SPT và cũng sẽ triệt tiêu dịch vụ dial up bởi giá dịch vụ ADSL đã thấp hơn giá dịch vụ dial up. Thực sự SPT cũng không biết các nhà khai thác khác làm như thế nào mà có được giá cước như vậy”. 

Vẫn theo bà Nguyễn Thị Kim Cúc, nếu xét về mặt cung cầu của thị trường, thì các doanh nghiệp chưa phải lao vào cuộc đua sát ván về cước như vậy, bởi thực tế thị trường hiện nay “cầu vẫn vượt cung”. Thế nhưng, cuộc chạy đua giảm cước đã xảy ra quá sớm và chỉ còn các doanh nghiệp lớn có hạ tầng và quy mô khách hàng lớn mới có khả năng tồn tại.  

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc “cánh cửa” cung cấp dịch vụ ADSL khép lại đối với các doanh nghiệp nhỏ và không còn cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường.  

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Cúc cũng cảnh báo trong cuộc đua về giá, chất lượng dịch vụ ADSL sẽ khó có thể được đảm bảo và cũng khó phát triển được dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng Internet băng rộng. 

Ông Đỗ Minh Phương, Giám đốc Viettel Internet, cho hay Viettel đã buộc phải giảm giá thành đến mức tối đa để có thể theo đuổi cuộc đua này. Thậm chí, Viettel Internet phải chấp nhận vài năm sau mới có lãi. Ông Phương còn cho biết, khi VNPT đưa ra gói cước mới thì Viettel Internet đã giảm số khách hàng đi vài lần so với trước đây.  

“Chúng tôi đang nghiên cứu một số giải pháp nhưng xem chừng khó quá. Tuy nhiên, vẫn bắt buộc phải đưa ra gói cước mới tương đương với gói cước mà VNPT và FPT đã tung ra vào ngày 15/7 tới.  

Nếu Viettel Internet không làm như vậy, khách hàng sẽ bỏ chúng tôi để chuyển sang nhà cung cấp khác với giá ưu đãi hơn. Để theo cuộc chơi ADSL này không thể không trường vốn để hy vọng có được một quy mô khách hàng nào đó”, ông Phương bức xúc.  

Phía Viettel đưa ra con số rằng 70 – 80 % chi phí của dịch vụ ADSL là đầu tư vào mạng cáp (khoảng 3 triệu đồng/thuê bao), trong khi đó VNPT đã khấu hao hết và không phải đầu tư mới nên có điều kiện cạnh tranh. 

Hiện Viettel Internet đã phát triển dịch vụ ADSL tại 55 tỉnh với khoảng gần 13.000 thuê bao, dự kiến đến hết tháng 8/2005, Viettel Internet sẽ cung cấp dịch vụ ADSL tại 64/64 tỉnh. Tuy nhiên, Viettel Internet lo ngại với tình hình như hiện nay, thì mục tiêu đặt ra sẽ phát triển được 50.000 thuê bao ADSL trong năm nay là rất khó khăn. 

Ông Trương Đình Anh, Giám đốc FPT truyền thông cho biết: “Khi các doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt, giá dịch vụ giảm và các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường khuyến mại. Như vậy buộc các doanh nghiệp phải tính toán bài toán đầu tư và chất lượng dịch vụ để đáp ứng được với nhu cầu thị trường”.

Theo VnEconomy