8 xu hướng tương lai của Internet of Things và Thành phố thông minh tại Việt Nam
(Dân trí) - Dự kiến, cuộc cách mạng Internet of Things (IoT - Internet của Vạn vật) sẽ chứng kiến gần 50 tỷ thiết bị được kết nối với Internet vào năm 2020 - tương đương với 6 thiết bị cho mỗi người trên hành tinh.
Thế giới đang ở trên đỉnh của một cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ khác, mà như lời của tạp chí công nghệ WIRED thì: "các vật dụng nhàm chán nhất trong cuộc sống của chúng ta có thể tự nói chuyện với nhau qua kết nối không dây, thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh, cung cấp dữ liệu cho chúng ta theo cách chưa từng có trước đây".
Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, đang nhanh chóng đẩy mạnh ngành công nghệ để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia số hóa. Chính phủ Việt Nam đã cam kết trích 111,6 triệu USD để hỗ trợ ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) cho đến năm 2020 nhằm khuyến khích những doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào Việt Nam. Nhận thấy IoT sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn kỹ thuật số, chính phủ đã kêu gọi các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam sử dụng IoT để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đổi mới và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua các dự án như thành phố thông minh, nhà thông minh, và giao thông thông minh.
Tuy nhiên để Việt Nam có thể xây dựng thành công các thành phố thông minh và các đổi mới IoT có thể phát triển, các tổ chức nên tập trung chú ý vào những xu hướng công nghệ do tương lai nắm giữ. Theo bà Lương Thị Lệ Thủy - Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, có 8 xu hướng mà các tổ chức có thể tham khảo:
1. IoT sẽ buộc chuyển đổi loại hình kinh doanh: Trước đây trong thời Internet, nhiều doanh nghiệp nhạy bén đã ngay lập tức gia nhập thế giới Dot-Com với việc thiết kế lại các mô hình và quy trình kinh doanh, đưa ra các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến mới phù hợp với thị trường. Trong khi số khác khởi đầu sai lầm hoặc loay hoay mất một thời gian dài, kết quả là cuộc cách mạng công nghiệp đã bỏ xa những doanh nghiệp này. Xu hướng IoT cũng sẽ xảy ra tương tự. Các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số theo cách tận dụng IoT để chuyển đổi tất cả các lĩnh vực kinh doanh và nắm bắt được giá trị đích thực của công nghệ mang tính cách mạng này.
2. An ninh sẽ là một lợi thế phát triển chiến lược : Một trong những hạn chế lớn nhất hình thành điểm yếu của an ninh mạng là kiềm chế sự đổi mới. 71% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát do Cisco thực hiện cho rằng rủi ro an ninh mạng đã cản trở đổi mới trong tổ chức của họ. Các mô hình kinh doanh mới và đổi mới chỉ có thể bền vững nếu được đảm bảo về an ninh và người tiêu dùng tin tưởng rằng dữ liệu của họ được bảo vệ an toàn. Các tổ chức nghi ngờ về khả năng an ninh mạng của mình thường trì hoãn các sáng kiến kỹ thuật số quan trọng và có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong tương lai.
3. An ninh cần được mở rộng khắp mọi nơi: Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia bị đe dọa an ninh mạng nhiều nhất. Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã hứng chịu 127.000 vụ tấn công mạng. Cuộc tấn công mạng nghiêm trọng nhất tại Việt Nam xảy ra vào tháng bảy năm 2016 nhằm vào hai sân bay lớn khiến hơn 100 chuyến bay bị chậm. Khi các tổ chức, cơ sở hạ tầng và dịch vụ ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau thì thiệt hại và tác động của các cuộc tấn công mạng ngày càng nghiêm trọng trên quy mô lớn hơn. Các tổ chức muốn tận dụng IoT không thể tiếp cận an ninh như một giải pháp đến sau mà phải là nền tảng trong chiến lược IoT của họ. Do đó, các tổ chức cần phải có tầm nhìn trên toàn bộ hệ thống mạng và bám vào thông tin an ninh toàn cầu để đưa ra quyết định tốt hơn trong khi đảm bảo được khả năng có thể ngăn chặn và khắc phục các mối đe dọa trước, trong và sau các cuộc tấn công. Điều này có thể xảy ra khi nhúng các tính năng bảo mật vào từng sản phẩm trên toàn bộ cơ sở hạ tầng CNTT, từ các cảm biến tới các mạng lưới cho tới dữ liệu.
4. Đám mây sẽ mang lại những giá trị đích thực cho các thành phố thông minh: Các thành phố thông minh được xây dựng trên giả thuyết chất lượng của cuộc sống có thể được nâng cao bằng cách chuyển đổi thông tin dữ liệu từ sự kết nối giữa các cảm biến, thiết bị và con người thành các hành động cụ thể. Để làm được điều này, tất cả các dữ liệu được tạo ra cần được đặt tại nơi sao cho tất cả các bên liên quan, cả thành phần tư nhân và chính phủ, đều có thể dễ dàng truy cập và sử dụng.
5. Trung tâm dữ liệu sẽ là xương sống của thành phố thông minh: Dữ liệu là mạch máu và các trung tâm dữ liệu rất quan trọng đối với sự thành công của thành phố thông minh vì chúng chính là cơ sở thu thập, lưu trữ và phân tích hàng loạt các thông tin. Các nhà cung cấp trung tâm dữ liệu cần phải đảm bảo khả năng mở rộng, tính linh hoạt, an ninh và tương thích với các sản phẩm khác trên thị trường là những ưu tiên hàng đầu cho cơ sở hạ tầng. Họ cũng cần triển khai các máy chủ được thiết kế đặc biệt để giải quyết khối lượng dữ liệu lớn và tốc độ gia tăng nhanh của dữ liệu phi cấu trúc giúp các tổ chức có thể truy cập và phân tích dữ liệu trong thời gian thực.
6. Các kỹ năng kỹ thuật số sẽ rất cần thiết cho tương lai: Tiềm năng thực sự của thành phố thông minh và nền kinh tế số chỉ có thể được hiện thực hóa khi có một lực lượng lao động có tay nghề và hiểu biết về kỹ thuật số hỗ trợ cho sự đổi mới, phát triển và duy trì các hệ thống công nghệ theo yêu cầu. Tuy nhiên, hầu hết mọi người ngày nay không được tiếp cận với các chương trình đào tạo giúp họ có khả năng tham gia vào nền kinh tế số. Khoảng 40% các nhà tuyển dụng trên toàn thế giới cho rằng việc thiếu các kỹ năng cần thiết chính là lý do hàng đầu cho những công việc dành cho người mới vào nghề.
7. Kinh doanh là thị trường trọng điểm: Giá trị đích thực và thị trường ngay tức thì cho IoT là các đơn vị kinh doanh và các doanh nghiệp. Việc ứng dụng IoT sẽ giống với mô hình quảng bá CNTT truyền thống – B2C – nhiều hơn so với việc ứng dụng các phương tiện truyền thông xã hội và di động cá nhân do người tiêu dùng chỉ huy.
8. Ngành công nghiệp sẽ khác hoàn toàn so với hiện nay: Giống như những ngày đầu của Internet, IoT hiện là một thị trường mới. Những doanh nghiệp mới, với các mô hình kinh doanh, cách tiếp cận và giải pháp mới có thể xuất hiện từ đâu đó và vượt qua các doanh nghiệp hiện tại. Những bước phát triển này sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các startup, trong việc giới thiệu những sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số mới.
Hà An