7 thói quen xấu của các phó nháy camera số
(Dân trí) - Máy ảnh KTS đã và đang thay thế máy dùng phim truyền thống trong hành trang các nhiếp ảnh gia, từ những người bán chuyên cho đến chuyên nghiệp. Máy KTS đem lại nhiều lợi thế hơn hẳn sản phẩm truyền thống, nhưng lại tạo cho chủ nhân những thói quen xấu khi chụp ảnh.
1. Không kiểm tra kĩ phụ kiện trước khi lên đường
Chuyến du lịch dài ngày được chuẩn bị rất kĩ lưỡng, mọi thứ đều hoàn hảo cho đến khi bạn phát hiện mình để quên .. thẻ nhớ máy ảnh ở nhà. Hoặc tệ hơn, bạn quên đem theo pin sơ cua, quên sạc, và máy hết pin giữa chừng… Những sai sót xuất phát từ tính thiếu cẩn thận, đãng trí đó có thể làm hỏng cả chuyến đi của bạn.
2. Không kiểm tra thiết lập ISO
Đây là một trong những lỗi phổ biến nhất khi chụp ảnh bằng máy KTS. Nhiều “phó nháy” chỉ nhớ tới nút ISO khi cần chỉnh độ nhạy sáng cao hơn, và cho rằng thông số này luôn ở mức “như ý” và cuối cùng “giật mình” khi xem lại ảnh. Đó là lý do rất nhiều thợ ảnh thời KTS muốn chỉ số ISO hiển thị ngay trên kính ngắm máy ảnh để tránh những bức ảnh “bất ngờ” sau này.
3. Photoshop hay không?
Máy ảnh số gắn liền với các công cụ sửa ảnh, dù bạn có muốn chối bỏ nó hay không. Và quả thật Photoshop cũng như các phần mềm sửa ảnh khác là trợ thủ đắc lực cho các “phó nháy” thế kỉ 21, giúp sửa chữa các lỗi vụn vặt đe doạ phá hỏng sự hoàn hảo của bức ảnh. Tuy nhiên, ảnh của bạn sẽ có chất lượng hơn rất nhiều nếu chụp đúng và đẹp ngay trên từ trên máy, thay vì “tặc lưỡi chụp đại” với tư tưởng sẽ sửa sau bằng photoshop.
4. Thay đổi độ phơi sáng ngay trên ảnh gốc
Sửa đổi độ phơi sáng (exposure) ngay trên ảnh gốc (RAW) không phải ý tưởng hay ho. Nếu cần, chỉ nên chỉnh sửa trong một giới hạn nhất định, do quá sáng hoặc quá tối ngay từ ảnh gốc trên máy đều là những lỗi không thể cứu vãn.
5. Nhấn nút “xoá ảnh” quá vội vàng
Lợi thế lớn nhất của máy ảnh KTS là xoá đi sản phẩm không mong muốn trong mà không phải bận tâm về pin. Tuy nhiên màn hình LCD xem trước ảnh không phải lúc nào cũng hiển thị đúng màu sắc thực; xoá vội vàng nhầm sang ảnh khác; quá trình tìm ảnh, xem ảnh, xoá ảnh qua màn hình LCD rất hao pin; và việc xem-xoá ảnh liên tiếp làm bỏ lỡ những khoảnh khắc đáng giá là 4 lý do chính khiến bạn suy nghĩ lại về xem-xoá ảnh ngay sau khi chụp.
6. Ống kính mới, hay máy ảnh mới?
Máy ảnh KTS là sản phẩm hi-tech, và như mọi đồ hi-tech khác, các nhà sản xuất “ra lò” mẫu máy mới liên tiếp. Với tư cách “phó nháy” chứ không phải “người tiêu dùng”, bạn cần nhận thức rõ nhu cầu của mình, và đôi khi một bộ lens mới là lựa chọn tốt hơn nhiều so với một chiếc máy ảnh mới.
7. Đổ lỗi cho hoàn cảnh
Khi không thể chụp được bức ảnh như ý, đôi khi chúng ta thốt lên “giá mà có ống kính (máy ảnh) tốt hơn”… Nhưng nên nhớ rằng, bức ảnh đẹp hay không nhờ người chụp, không phải hoàn toàn do máy. Một máy ảnh cấp trung được người có kĩ thuật tốt sử dụng sẽ cho ra những bức ảnh tuyệt vời hơn một máy cao cấp do “thợ chụp” không chuyên dùng.
Hoàng Hải