1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

5 lưu ý khi sử dụng điều hòa để tránh "sốc nhiệt" mùa nắng nóng

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng cùng với thói quen sử dụng điều hòa liên tục dễ khiến nhiều người bị sốc nhiệt, ngay cả trẻ em và người lớn.

Thời tiết nắng nóng, oi bức, cộng với tình hình dịch bệnh gia tăng tại Việt Nam khiến nhiều người muốn ở lỳ trong nhà với không gian mát mẻ cùng máy lạnh.

Tuy nhiên, sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong - nơi có điều hòa, rất dễ khiến người sử dụng bị sốc nhiệt nếu không lưu ý.

1. Không vào phòng lạnh ngay khi đi nắng về

5 lưu ý khi sử dụng điều hòa để tránh sốc nhiệt mùa nắng nóng - 1

Cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, khiến cơ thể không kịp thích nghi, dẫn đến đột quỵ.

Một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới "sốc nhiệt" là ngay lập tức bước vào phòng điều hòa khi vừa đi ra ngoài trời nắng. Tương tự như vậy với việc bước ra ngoài đột ngột trong khi đang sử dụng điều hòa. 

Để tránh tình trạng này, người dùng nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 20 - 30 phút, đồng thời mở cửa để không khí lưu thông, giúp cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ ngoài trời.

Nếu đi từ ngoài vào, hãy ngồi một lát cho ráo mồ hôi trước khi bước vào phòng điều hòa. Trước khi vào phòng nên đứng giữa cửa, hoặc bật điều hòa ở nhiệt độ cao rồi hạ nhiệt độ dần dần để cơ thể thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ.

2. Nhiệt độ trong phòng quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài

5 lưu ý khi sử dụng điều hòa để tránh sốc nhiệt mùa nắng nóng - 2

Không nên điều chỉnh nhiệt độ quá chênh lệch so với nhiệt độ môi trường

Mát lạnh nhanh chóng là điều ai cũng muốn khi sử dụng máy lạnh, vì vậy nhiều người thường sẽ cài đặt nhiệt độ thấp nhất khi sử dụng máy.

Tuy nhiên, khi để nhiệt độ chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ của môi trường ngoài, chúng ta sẽ rất dễ bị sốc nhiệt, cảm lạnh. Theo lời khuyên của các chuyên gia, nhiệt độ chỉ nên chênh lệch khoảng 7 độ với môi trường ngoài. Chẳng hạn, ngoài trời đang 35 độ C thì, bạn chỉ nên để nhiệt độ khoảng 28 độ C.

3. Ở trong phòng máy lạnh liên tục

5 lưu ý khi sử dụng điều hòa để tránh sốc nhiệt mùa nắng nóng - 3

Không nên ở trong phòng lạnh quá lâu

Thời tiết nắng nóng thì việc ở lì trong phòng có điều hòa quả là "thiên đường". Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cảnh báo không nên ở trong phòng máy lạnh quá lâu, cụ thể là từ 4 - 5 tiếng trở lên (trừ khi đang ngủ).

Nguyên nhân là bởi khi ở phòng máy lạnh liên tục như vậy sẽ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng,… hoặc các bệnh về da như khô da, dị ứng,… nhất là khi sử dụng các máy lạnh không được vệ sinh định kỳ.

Bên cạnh đó, khi cơ thể quá quen với điều kiện nhiệt độ mát lạnh trong phòng, thì khi bước ra bên ngoài, sẽ khó thích nghi hơn với thời tiết nắng nóng.

4. Vị trí lắp đặt điều hòa

5 lưu ý khi sử dụng điều hòa để tránh sốc nhiệt mùa nắng nóng - 4

Vị trí lắp điều hòa cũng rất quan trọng. Nhiều người thường lắp điều hòa rọi thẳng vào người và nơi sinh hoạt. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn sai lầm .

Theo đó, nếu lắp đặt điều hòa quá thấp, luồng không khí lạnh thổi trực tiếp vào người sẽ giúp chúng ta mát nhanh hơn, nhưng nếu ngồi lâu sẽ làm giảm sự thích nghi với nhiệt độ ngoài trời của môi trường, dẫn tới sốc nhiệt.

Ngoài ra, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh đường hô hấp như: Viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản… đặc biệt là khi nhà bạn có người già hoặc trẻ nhỏ.

5. Lưu ý khi có trẻ con, người già với tiền sử bệnh đột quỵ

5 lưu ý khi sử dụng điều hòa để tránh sốc nhiệt mùa nắng nóng - 5

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cần lưu ý đặc biệt nếu trong phòng điều hòa có trẻ nhỏ, hoặc người già mắc tiền sử bệnh đột quỵ.

Trước hết, nhiệt độ không được quá thấp. Nếu bệnh càng nặng thì phải càng để nhiệt độ vừa phải. Nếu muốn đưa người già sang phòng khác, phải tắt điều hòa trước, để nhiệt độ ấm lên để khi ra ngoài tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Bên cạnh đó, với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, cũng cần điều chỉnh mức nhiệt hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Nếu quá nóng thì có thể bổ sung quạt mát, thay vì chỉnh mức nhiệt quá thấp.