5G đặt ra những thách thức chưa từng có đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Phát triển 5G là một chuyện, nhưng phát triển ra sao để hiệu quả, đồng thời giảm chi phí vận hành và tối đa hóa giá trị mang lại là một thử thách không nhỏ.

5G đặt ra những thách thức chưa từng có đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng - 1

Với chủ đề “Xây dựng thế giới số cùng nhau”, Hội nghị và triển lãm ITU Digital World 2020 diễn ra từ 20 - 22/10/2020 quy tụ các chính phủ, doanh nghiệp và doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ, đã thảo luận về nhiều vấn đề, giải pháp sáng tạo. Trong đó, 5G - vốn được xem là yếu tố tiên quyết, tạo nền tảng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cũng được nhắc tới.

Tại phiên thảo luận giữa các chuyên gia với chủ đề: "Bước vào kỷ nguyên 5G: nhu cầu, triển khai và yêu cầu", các nhà lãnh đạo, đại diện tập đoàn đã đề xuất nhiều phương án nhằm tạo cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, giảm chi phí xây dựng mạng lưới, cũng như thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trên toàn cầu.

Vấn đề về tiêu thụ điện

Ông Mohamed Madkour - Phó chủ tịch phụ trách Kinh doanh giải pháp và tiếp thị lõi không dây & đám mây toàn cầu tại Huawei khẳng định bây giờ là lúc tập trung vào hiệu quả kinh doanh 5G bằng cách giảm tổng thể chi phí vận hành và tối đa hóa giá trị mạng để phục vụ tối ưu cho tất cả các lĩnh vực.

"Cấu tạo mạng 5G khác biệt đáng kể so với 4G về chế độ mạng, hình thức sản phẩm và thông số hiệu suất. Điều này khiến mức tiêu thụ điện năng của phần cứng 5G cao hơn khoảng hai lần so với 4G, và đặt ra những thách thức chưa từng có đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng", ông Mohamed cho biết.

Chia sẻ thêm, Phó chủ tịch Mohamed Madkour cho biết hiện nay, hệ thống cung cấp điện tại hơn 30% các trạm tháp (tower sites) ở Trung Quốc có thể cần được xem xét lại hoặc nâng cấp, theo các cuộc khảo sát kỹ thuật và trạm gốc của Trung Quốc. "Nó không chỉ là vấn đề thương mại mà còn là vấn đề trách nhiệm xã hội", ông Mohamed nhấn mạnh.

5G đặt ra những thách thức chưa từng có đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng - 2

5G sẽ có mức tiêu thụ điện cao hơn nhiều so với 4G, 3G theo số liệu từ Huawei.

Lý do được đưa ra là bởi chi phí trung bình để tăng công suất lưới điện cho một trạm là khoảng 2.800 đô la Mỹ. Vì hiện có 2,5 triệu tháp di động ở Trung Quốc, chi phí trang bị thêm sẽ tổng cộng khoảng 2,1 tỷ USD.

Chia sẻ thêm, ông Mohamed cho biết Huawei hiện đang nỗ lực trong việc mang lại 5G "xanh" và 5G tốt hơn thông qua Giải pháp 5G Power. Giải pháp tập trung vào việc cải thiện hiệu quả năng lượng và E2E ở cấp độ thành phần, trạm, mạng và dịch vụ.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu đã tăng hơn 70% trong ba thập kỷ qua, và lượng khí thải carbon tăng gần 80%. Điều này cho thấy hơn bao giờ hết, 5G đang đòi hỏi sự đổi mới trong R&D để mang lại giải pháp điện năng có thể đáp ứng nhu cầu triển khai đơn giản, xây dựng nhanh chóng, tiết kiệm năng lượng hiệu quả và tiến hóa trơn tru.

5G cần sự hỗ trợ từ hạ tầng số và chính phủ các nước

Đại diện cho Indonesia, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Indonesia Hon. Aiyaz Sayed-Khaiyum cho biết: Trong thời gian qua, nhận thấy tầm quan trọng của ICT, Indonesia đã tập trung cải thiện hạ tầng số để thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy tương tác và đáp ứng truy cập mạng.

Để đáp ứng kết nối, Indonesia đã, đang triển khai mạng 4G ở hơn 12.000 làng xã chưa được phủ sóng, hoàn thành vào năm 2022 và sẽ đáp ứng cả kết nối Internet nhờ vệ tinh. Indonesia cũng tập trung phát triển các công nghệ hỗ trợ, hệ sinh thái và thiết lập trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm điều phối viễn thông quốc gia đáp ứng kết nối, đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông chất lượng

5G đặt ra những thách thức chưa từng có đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng - 3

Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin Indonesia cũng cho biết sau thời gian thử nghiệm thành công, hiện Indonesia đang triển khai mạng 5G để cung cấp kết nối.

Ông Mohamed Madkour - Phó chủ tịch phụ trách Kinh doanh giải pháp và tiếp thị lõi không dây & đám mây toàn cầu tại Huawei cũng nhấn mạnh kỷ nguyên 5G cần sự hỗ trợ từ AI, đám mây, điện toán biên.

"Bạn khó có thể thấy bất kỳ kế hoạch kinh doanh hoặc mô hình kinh doanh 5G nào mà không có AI hay là điện toán biên", ông Mohamed nói. "Để gia tăng giá trị của viễn thông trong Kỷ nguyên 5G, trước tiên tôi muốn nhấn mạnh rằng ngành ICT là nền tảng cơ bản và trung tâm cho sự dẫn đầu của các quốc gia cũng như cho sự phát triển xã hội, công nghiệp và kinh tế. Vì vậy, đây là thời điểm rất quan trọng đối với viễn thông để tận dụng điều đó và giữ vị thế của mình trong giai đoạn phát triển của viễn thông".

Ông Mohamed cho biết ở Trung Quốc hiện nay có hơn 600 nghìn trạm gốc 5G đã được triển khai. Trong năm nay, dự kiến trên toàn cầu, sẽ có 1/4 tỷ điện thoại thông minh 5G được xuất xưởng.

"Đây là giai đoạn chứng kiến 2G/3G sẽ lùi về quá khứ, 4G sẽ tiếp tục phát triển và sẽ trở thành lớp cơ bản mang phần lớn lưu lượng truy cập nhưng 5G sẽ xuất hiện nhanh chóng", đại diện của Huawei cho biết.

Bà Julie Welch - Phó Chủ tịch Qualcomm cũng cho biết hiện đã có 40 quốc gia triển khai 5G và dự kiến đến 2025 sẽ có 3 tỷ người tiếp cận 5G. Trong đó, 5G được kỳ vọng có thể giúp tiếp cận những khu vực xa xôi nhất và cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục. ICT giúp rút ngắn nỗ lực phục hồi sau đại dịch, do đó cần tăng cường thương mại hóa 5G cho các ngành y tế, giáo dục...

Ông Ulf Pehrsson, Phó Chủ tịch, Giám đốc phụ trách các quan hệ Chính phủ của Ericsson thì cho rằng vai trò của các chính phủ và cơ quan quản lý chuyên ngành rất quan trọng trong việc tạo ra môi trường phù hợp để hiện thực hóa và ITU cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các chính phủ trên toàn thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm