12,5 triệu SIM rác bị xử lý, vì sao vẫn còn tình trạng gọi điện quấy rối?
(Dân trí) - Sau đợt "truy quét" của Bộ TT&TT diễn ra vào giữa năm, đã có 12,5 triệu SIM rác, SIM không chính chủ bị loại bỏ khỏi hệ thống. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những cuộc gọi quấy nhiễu, lừa đảo.
Gần 20 triệu thuê bao di động bị xử lý, loại bỏ 12,5 triệu SIM rác
Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 6/9, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cung cấp một số thông tin, số liệu mới về việc thanh lọc SIM rác, SIM không chính chủ.
Theo đó, có tổng số 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp bị xử lý sau đợt "truy quét" diện rộng, hay còn gọi là chuẩn hóa thông tin thuê bao, diễn ra từ ngày 31/3 tới 15/5.
Trong số này, 12,5 triệu SIM không chính chủ đã bị loại bỏ khỏi hệ thống, 7,15 triệu thuê bao phải chuẩn hóa lại thông tin.
Từ tháng 5, thanh tra Bộ cũng tiến hành kiểm tra những chủ sở hữu trên 10 SIM, nhằm đảm bảo thuê bao hoạt động đúng tên đăng ký, tức sim chính chủ.
Sau quá trình kiểm tra, có 3,6 triệu SIM trong tổng số 8,6 triệu phải đăng ký lại thông tin. Số còn lại bị khóa 1 chiều, 2 chiều, hoặc thu hồi.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với thanh tra Bộ nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra các hành vi vi phạm và có thể đình chỉ phát triển thuê bao mới với nhà cung cấp vi phạm.
Mục tiêu là xác định thuê bao di động phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Việc này sẽ hạn chế tối đa tình trạng thông tin thuê bao không chính xác.
Bộ TT&TT: Hết sim rác vẫn sẽ còn cuộc gọi rác
Từ lâu, chúng ta vẫn mặc nhiên cho rằng SIM rác là cội nguồn của những cuộc gọi "quấy rối", chào bán, giới thiệu dịch vụ, môi giới... Tuy nhiên trên thực tế, ngay cả SIM "chính chủ" cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.
Đây là nhận định của ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, tại cuộc họp ngày 6/9. Theo ông Long, nguyên nhân của thực trạng này một phần là bởi hoạt động telesale - hay tiếp thị từ xa qua điện thoại.
"Đây là một nghề, là marketing. Vì thế, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều đang phải chịu vấn nạn này", Thứ trưởng Long chia sẻ. "Và ngay cả khi đã chặn hết SIM rác, thì vẫn sẽ xuất hiện những cuộc gọi quấy nhiễu, lừa đảo. Chúng ta cần phân biệt rõ 2 khái niệm này".
Bộ TT&TT đã có kịch bản nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng. Tuy nhiên, hoạt động này cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả chính người dân.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức như trường học, ngân hàng, bệnh viện cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống đến người sử dụng.
Người dùng cá nhân thì cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, không có trong danh bạ.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể chủ động cài đặt, sử dụng các dịch vụ chặn lọc hoặc cảnh báo cuộc gọi rác/cuộc gọi lạ do nhà mạng cung cấp.
Điều này dẫu chưa thể hạn chế 100% tình trạng cuộc gọi "quấy rối", nhưng sẽ phần nào hạn chế tần suất xuất hiện và những hệ lụy như lừa đảo, đánh cắp thông tin... mà chúng mang lại.