10 điện thoại đắt nhất thế giới
(Dân trí) - Vertu không còn “nhà độc quyền” trên thị trường điện thoại xa xỉ, Gresso, Mobiado và GoldVish là những cái tên mới trong làng mobile nhưng lại sở hữu những chiếc điện thoại đắt nhất thế giới.
Thế giới điện thoại di động đang được thổi một luồng sinh khí mới khi một số hãng sản xuất điện thoại cũng đã bắt tay với nhiều thương hiệu lớn để sản xuất điện thoại thời trang cao cấp, như LG Prada, Motorola D&G và Modelabs Tag Heuer.
1.Goldvish “Le million” = 1 triệu USD
Là sản phẩm của công ty GoldVish (Thụy Sỹ). Nhà thiết kế Emmanuel Gueit gắn thêm 120 carat kim cương VVS-1 cho máy. Goldvish được trang bị đầy đủ tính năng cơ bản của điện thoại nhưng lại không hỗ trợ công nghệ Wi-Fi.
Mặc dù điện thoại thông minh Diamond Crypto do nhà thiết kế Peter Aloisson (Úc) sáng tạo có giá bán lên tới 1,3 triệu USD nhưng nếu tính theo giá trị thực, Diamond Crypto chỉ được chế tác từ 50 viên kim cương xung quanh thân máy, trong khi đó, GoldVish được gắn tới 120 carat. Vì thế, theo tạp chí CNTT CNet, Goldvish “Le million” mới đúng là “chú dế” đắt nhất trên thế giới.
2. Vertu Signature Cobra = 310.000 USD
Khác với các mẫu điện thoại quý tộc mang tên Vertu, phiên bản Signature Diamond của chi nhánh sản xuất “dế” cao cấp của Nokia có thiết kế lòe loẹt hơn và kiểu dáng cũng cổ điển hơn.
Vertu Signature Cobra do một nhà thiết kế đồ trang sức người Pháp Frederic Boucheron thiết kế. Vỏ ngoài của điện thoại được trang trí bằng hình một con rắn hổ mang, bao quanh thân máy và rất nhiều kim cương, 2 viên ngọc lục bảo và 49 viên đá ruby. Vertu chỉ sản xuất duy nhất 8 chiếc Signature
3. Sony Ericsson Black Diamond = 300.000 USD
Có lẽ Black Diamond của nhà thiết kế Jaren Goh là điện thoại có kiểu dáng độc đáo và mới lạ nhất trong năm 2006. Thực tế, dòng điện thoại này do Sony Ericsson thiết kế nhưng chỉ có 5 model trong số đó được một công ty Thụy Điển VIPN gắn các hạt kim cương lên phía sau thân máy. Black Diamond chạy hệ điều hành Windows Mobile 5.0, sử dụng bộ vi xử lý 400Mhz Intel Xscale CPU, camera 4 megapixel, màn hình cảm ứng, công nghệ SIP để gọi điẹn VoIP. Ngoài ra, máy còn được trang bị màn hình TFT 265K 2 inch và hỗ trợ công nghệ không dây 802.11g WiFi.
4. Vertu Diamond = 88.000 USD
Tuy còn lâu mới với tới được giá trị của chiếc Goldvish “Le Million” nhưng Vertu Diamond vẫn là một trong 10 chiếc điện thoại đắt nhất thế giới. Điện thoại được làm từ platinium và dát bằng kim cương và bạch kim. Vertu Diamond chỉ được sản xuất với số lượng giới hạn 200 chiếc.
Điện thoại hoạt động trên 3 băng tần GSM (900/1800/1900), nhạc chuông đa âm, có rung, danh bạ 1000 tên, lưu 100 tin nhắn SMS, kết nối USB, gửi tin SMS, MMS và e-mail, không thẻ nhớ cắm ngoài, không bluetooth, không hồng ngoại, không camera.
5. Motorola V220 Special Edition = 51.800 USD
Nhà thiết kế người Áo Peter Aloisson đã tạo nên chiếc điện thoại đặc biệt này cho Motorola. Motorola V220 được dành riêng cho các “sao bự” của Hollywood hay các vận động viên thể thao hàng đầu thế giới. Máy được dát 1.200 viên kim cương và bàn phím được nạm 18 carat vàng.
Điện thoại hoạt động 3 băng tần GSM (900/1800/1900), nhạc chuông mp3, bộ nhớ trong 1.8MB, kết nối USB, camera VGA (640x480), gửi tin nhắn SMS, EMS, MMS..
6. Nokia 8800 Gold Edition Phone = 2.700 USD
Nếu dư thừa đến 2.700 USD thì bạn có thể nghĩ đến việc “tậu” chiếc điện thoại Nokia 8800 Gold làm từ 24K vàng. Tuy nhiên, bạn phải biết rằng tiền nhiều chưa chắc tính năng đã cao. Phiên bản Gold của Nokia 8800 vẫn chỉ có những tính năng giống như 8800 chuẩn vốn dĩ đã rất “tầm thường”.
Nokia 8800 Gold sở hữu camera SVGA 0,5 megapixel, bộ nhớ trong 64MB, nhạc chuông 64 âm sắc, chỉnh sóng FM, MP3, quay video và thời gian đàm thoại 180 phút. Ấn tượng duy nhất là Gold Edition được bán kèm với chiếc hộp đựng và chân đế sạc pin rất đặt biệt.
7. Mobiado Professional EM (wood) = 1.900 USD
Mobiado Professional EM là chiếc điện thoại làm từ gỗ với kiểu dáng hao dao giống điện thoại của Nokia. Máy sở hữu camera 1,3 megapixel, máy nghe nhạc MP3, chỉnh sóng FM, Bluetooth. Mobiado Professional EM là điện thoại đầu tiên của hãng có các phím bấm được làm từ titanium
Modiado chỉ sản xuất 200 phiên bản và mỗi chiếc điện thoại được khắc số phía sau t hân máy. Tuy nhiên, bỏ ra 1.900 USD để sở hữu chiếc điện thoại bình dân bọc gỗ thì quả là số tiền quá lớn.
8. Samsung/Bang & Olufsen Serene = 1.250 USD
Chiếc điện thoại với thiết kế kỳ lạ này là “con cưng” của Bang & Olufsen và Samsung.
Serene là điện thoại gập, nhưng trái ngược với phong cách vỏ sò hiện tại, màn hình chính của Serene lại ở mặt dưới, bàn phím và loa ở mặt trên. Ấn tượng nhất của Serene là bàn phím được thiết kế độc đáo. Các phím số và chữ được bố trí hình tròn. Các chế độ Back, OK, Play và Stop cũng nằm trên vòng tròn đó. Khi muốn duyệt menu thì người dùng chỉ việc xoa nhẹ điều khiển giống như điều khiển click wheel trên iPod. Điện thaọi được trang bị đôi loa cao cấp do Bang & Olufsen sản xuất. Loa của máy nằm ở giữa.
Điện thoại chỉ dành cho những tay chơi quý tộc, chịu chi số tiền lên tới 1.200 USD.
9. Lamborghini 8800 Sirocco của Nokia
Lamborghini Nokia 8800 Sirocco cũng là một chiếc điện thoại đặc biệt nữa. Chiếc điện thoại này được cách điệu từ phiên bản 8800 Sirocco với logo Lamborghini phía trước và sau thân máy cùng nhãn hiệu số máy. Điện thoại được sản xuất từ chất liệu làm vỏ xe đua. Màn hình bằng đá sapphire phủ một lớp chống xước. Chỉ có 500 điện thoại Lamborghini được bán trên thị trường.
10. Gresso Luxury Phone
Gresso, một công ty của Nga mới nhập cuộc thị trường ĐTDĐ cao cấp, vừa trình làng chiếc điện thoại Luxury Phone được làm bằng vàng và gỗ Blackwood 200 năm tuổi lấy từ châu Phi. Vỏ gỗ của điện thoại dày tới 10 mm nên cầm rất chắc tay. Do được làm từ gỗ tấm nên không có chiếc nào giống chiếc nào vì chẳng có cây gỗ nào có vân gỗ giống nhau Điều này tạo nên tính độc đáo cho điện thoại của Gresso. Bên cạnh chất liệu này, Gresso lại bổ sung một số họa tiết bằng vàng, như nắp đậy pin và logo. Màn hình của máy được làm bằng kính pha lê không lóa dưới ánh mặt trời..
Bộ sưu tập điện thoại của Gresso mới chỉ có 5 model do một nhà thiết kế nổi tiếng của Italy vẽ nên.
Hương Linh
Theo CNet