Zika có thể lây qua mồ hôi và nước mắt?
(Dân trí) - Trong một bức thư gửi tờ New England Journal of Medicine, các bác sĩ đang thảo luận về một trường hợp tử vong hiếm gặp ở Mỹ của bệnh nhân bị nhiễm vi rút Zika, và một bệnh nhân khác có thể đã bị nhiễm vi rút do tiếp xúc với mồ hôi hoặc nước mắt của bệnh nhân đầu tiên này như thế nào.
Bệnh nhân đầu tiên, một cụ ông 73 tuổi, qua đời vào tháng Sáu năm nay tại bệnh viện Đại học Utah ở Salt Lake City – là trường hợp tử vong đầu tiên có liên quan với vi rút Zika được ghi nhận tại Mỹ.
Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng nhiễm Zika 8 ngày sau khi trở về từ miền tây nam Mexico, một khu vực nhiễm Zika.
Lúc đầu, bệnh nhân có các triệu chứng đau bụng và sốt. Đến lúc nhập viện, bệnh nhân cũng bị viêm mắt, chảy nước mắt, tụt huyết áp và nhịp tim nhanh. Bệnh nhân tiến triển sốc nhiễm trùng, suy thận, phổi và các cơ quan khác, và đã tử vong không lâu sau đó.
Bệnh nhân thứ hai, “một nam giới 38 tuổi trước đó khỏe mạnh không bị bệnh nào khác", đến thăm bệnh nhân đầu tiên tại bệnh viện và cho biết là đã lau nước mắt và giúp y tá đặt lại người bệnh trên giường.
Bệnh nhân đến khám bác sĩ một tuần sau khi người bệnh thứ nhất qua đời; các bác sĩ phát hiện thấy bệnh nhân bị đỏ mắt, chảy nước mắt, một triệu chứng phổ biến của nhiễm Zika.
Các xét nghiệm khẳng định bệnh nhân thứ hai bị nhiễm Zika, nhưng các triệu chứng chỉ nhẹ và hết trong vòng một vài ngày.
Ca bệnh tiếp tục đánh đố các chuyên gia
Hai khía cạnh của vụ việc tiếp tục đánh đố các chuyên gia y tế. Thứ nhất, tại sao bệnh nhân đầu tiên chết? Rất hiếm khi nhiễm Zika gây bệnh nặng ở người lớn – và tử vong thậm chí còn ít hơn nhiều. Chỉ có 9 trường hợp tử vong liên quan đến Zika được báo cáo trên toàn thế giới
Điểm bí ẩn thứ hai là bệnh nhân sau đã bị nhiễm Zika như thế nào? Vào thời điểm đó bệnh nhân không hề làm gì khiến mình bị nguy cơ.
Trong thư, các nhà nghiên cứu gợi ý nồng độ vi rút Zika cao bất thường trong máu bệnh nhân đầu tiên của có thể là nguyên nhân gây tử vong.
Điều này cũng có thể giải thích tại sao bệnh nhân thứ hai lại bị nhiễm vi rút – qua đụng chạm vào nước mắt hoặc mồ hôi từ bệnh nhân đầu tiên. Các tác giả nhận xét rằng đây là lần đầu tiên một đường lây truyền như vậy được ghi nhận.
Lượng vi rút cao gấp 100.000 lần
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều xét nghiệm cho thấy không có nhiễm trùng khác có thể giải thích cho bệnh ở bệnh nhân đầu tiên. Một trong số đó là xét nghiệm Taxonomer có thể nhanh chóng phân tích tất cả các chất liệu di truyền của các tác nhân nhiễm trùng trong mẫu của bệnh nhân.
Họ thấy vi rút Zika mà bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm giống 99,8% với vi rút từ muỗi ở vùng mà bệnh nhân này đã đến - tây nam Mexico - trong những tuần trước khi đổ bệnh.
Trong phần bàn luận về việc bệnh nhân thứ hai bị nhiễm như thế nào, các tác giả lưu ý rằng ở bảng Utah chưa phát hiện thấy các loài muỗi mang Zika, bệnh nhân không đi đến khu vực có Zika, và việc xâu chuỗi các sự kiện đã loại trừ bất kỳ đường lây truyền nào khác.
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng lý do bệnh nhân thứ hai bị nhiễm là do bệnh nhân đầu tiên có nồng độ vi rút cao bất thường trong cơ thể - 200 triệu tiểu phần vi rút/ml. Điều này có thể khiến hệ thống bị tràn ngập và khiến bệnh nhân cực kì dễ lây bệnh.
Vẫn chưa rõ điều gì đã dẫn đến nhiễm trùng nặng bất thường như vậy. Phải chăng có những đặc điểm gì đó về sinh học hoặc tiền sử bệnh khiến bệnh nhân đầu tiên đặc biệt dễ bị tổn thương? Phải chăng chủng vi rút mà bệnh nhân này bị nhiễm - có những sự khác biệt di truyền nhỏ so với các chủng khác - đặc biệt nguy hiểm?
Có thể chúng ta sẽ không bao giờ gặp một trường hợp nào khác như vậy, và nó cho thấy vẫn còn có rất nhiều điều cần tìm hiểu về Zika.
Thông tin nhanh về Zika
• Cách tốt nhất để ngăn Zika là phòng ngừa muỗi đốt
• Phụ nữ mang thai được khuyên không nên đi du lịch đến các vùng có Zika
• Các cặp đôi mà một người đang sống hoặc đã từng đến vùng Zika nên có biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
Cẩm Tú
Theo Medicalnewstoday