Y học cổ truyền vừa thiếu vừa yếu
(Dân trí) - Còn 10 tỉnh trên cả nước chưa có bệnh viện Y học cổ truyền, những nơi đã xây dựng được cơ sở vật chất thì trang thiết bị, kỹ thuật còn nghèo nàn lạc hậu. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của bác sĩ còn thấp nên không hấp dẫn được người bệnh.
Trước khi có sự xâm nhập của nền y học hiện đại thì y học cổ truyền (YHCT) giữ vị trí độc tôn trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, nền y học mang đậm tính dân tộc mà ông cha đã dày công gây dựng đang bị lép vế và ngày càng thua kém trước y học hiện đại. Thiếu sự quan tâm và đầu tư đúng mức khiến những phương thuốc điều trị hiệu quả của YHCT đang mai một hoặc không phát huy được công hiệu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Nền y học của dân tộc chưa được đầu tư đúng mức (ảnh: minh họa)
Theo thống kê được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến công bố tại buổi họp trực tuyến về công tác y tế năm 2012, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện trong năm 2013 diễn ra ngày 24/1, trên cả nước hiện có 58 bệnh viện YHCT nhưng còn 10 tỉnh chưa có bệnh viện YHCT bao gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Cạn, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đắc Nông và Cà Mau.
Nhận thức được vai trò của YHCT trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đang rốt ráo triển khai các kế hoạch xây dựng và phát triển nhằm vực dậy nền y học của dân tộc song kết quả vẫn chưa khả quan. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, và 90% bệnh viện tuyến quận huyện đã có khoa hoặc tổ YHCT nhưng tỷ lệ khám bệnh bằng YHCT so với tổng khám chữa bệnh chung còn quá mỏng.
Ở tuyến tỉnh, khám chữa bệnh bằng YHCT mới chỉ đạt 8,8%; tuyến huyện 9,1% và tuyến xã là 24,6%. Tỷ lệ điều trị nội trú bằng YHCT kết hợp YHCT với YHHĐ so với tổng chung cũng chỉ đạt mức 8,6% ở tuyến tỉnh và 17,1% ở tuyến huyện. Tỷ lệ điều trị ngoại trú bằng YHCT so với tổng điều trị ngoại trú chung có khả quan hơn ở tuyến tỉnh 12,6% và tuyến xã 25,9% nhưng tuyến huyện có phần hạn chế hơn với 8,1%.
YHCT đang mất dần chỗ đứng bởi cơ sở vật chất quá nghèo nàn lạc hậu, đội ngũ thầy thuốc hoạt động trong lĩnh vực này đã thiếu trong khi hệ thống đào tạo, quy mô đào tạo chưa phù hợp nên số ra trường không bù đắp đủ số cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu. Chương trình, nội dung và loại hình đào tạo chưa thống nhất nên trình độ chuyên môn của cán bộ YHCT còn hạn chế.
Việc nghiên cứu khoa học, kế thừa và ứng dụng những phương pháp hay, bài thuốc tốt diễn ra ì ạch nên nhiều bài thuốc hay, nhiều cây thuốc quý nhất là của đồng bào các dân tộc ít người còn chưa được đầu tư để thu thập sưu tầm đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Vân Sơn