1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Y bác sĩ tại BV dã chiến số 6 bị "ngâm" tiền hỗ trợ: Sở Y tế nói gì?

Biên Thùy

(Dân trí) - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho hay, nếu không có gì thay đổi, ngày mai (18/1) các y bác sĩ tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 6 sẽ được chi trả tiền hỗ trợ chống dịch.

Liên quan đến sự việc nhiều y bác sĩ tình nguyện viên (TNV) tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 6 (đóng tại TP Thủ Đức) do Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM (BV PHCN-ĐTBNN) quản lý, phản ánh đến giờ vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ theo quy định của Chính phủ dù đã nhiều lần liên hệ BV, PV Dân trí đã đặt câu hỏi về hướng xử lý đến đại diện Sở Y tế TPHCM tại cuộc họp thông tin tình hình dịch Covid-19 chiều 17/1.

Giải ngân tiền hỗ trợ chống dịch cho tình nguyện viên

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, trong thời gian dịch vừa qua, có nhiều đoàn TNV đến BV dã chiến số 6 chống dịch. Trong đó nhóm TNV phản ánh chưa nhận đủ tiền hỗ trợ có hơn 30 trường hợp.

Bà Mai thông tin, có 2 khoản chế độ chính sách hỗ trợ các y bác sĩ TNV chống dịch. Đầu tiên là chi một lần theo Nghị quyết số 12 của TPHCM, khoản thứ hai là chi phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết của Chính phủ. Nhóm TNV đã được chi một đợt vào tháng 9. Riêng tháng 10 và tháng 11, bà Mai lý giải vì một số thủ tục, giấy tờ còn vướng ở khâu nào đó nên bị kho bạc không đồng ý.

Y bác sĩ tại BV dã chiến số 6 bị ngâm tiền hỗ trợ: Sở Y tế nói gì? - 1

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM (Ảnh: T.N).

Đại diện Sở Y tế thông tin, chiều hôm nay phía BV PHCN-ĐTBNN TPHCM báo cáo rằng, toàn bộ hồ sơ của nhóm TNV trên đã được khắc phục xong. Nếu không có gì thay đổi thì ngày mai (18/1), các TNV sẽ nhận tiền hỗ trợ hai tháng 10 và 11. Riêng tháng 12, BV đang hoàn tất thủ tục, hồ sơ để chi trả cho các TNV chung đợt với các y bác sĩ công tác tại BV.

Về câu hỏi trách nhiệm của BV PHCN-ĐTBNN TPHCM thế nào khi hợp đồng công việc của các TNV bị thất lạc mà không rõ nguyên nhân, khiến các TNV nhiều tháng không nhận được tiền, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai không trả lời.

Luật sư: Cần lập đoàn thanh tra xác minh

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, theo bộ luật Lao động năm 2021, hợp đồng lao động là sự ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động. Theo đó, mỗi bên giữ một bản hợp đồng và bên sử dụng lao động sẽ lưu hợp đồng này. Ngoài hợp đồng lao động thì còn có các quyết định bổ nhiệm, phân công, chứng từ chi trả…

Y bác sĩ tại BV dã chiến số 6 bị ngâm tiền hỗ trợ: Sở Y tế nói gì? - 2

Luật sư Trần Minh Hùng (Ảnh: NVCC).

"Về vụ việc nêu trên, phía BV lúc trả lời thất lạc hợp đồng, lúc trả lời chưa duyệt xong, lúc đòi bản scan… Dù vì lý do gì, điều này khiến nhiều người cho rằng phía bệnh viện đang kéo dài và làm khó các TNV" - luật sư Hùng nhận định.

Về hướng xử lý, luật sư Hùng cho rằng với các sự việc như trên, cơ quan chức năng cần lập đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ, tránh gây bức xúc cho dư luận trong thời điểm dịch bệnh, cũng như giải quyết quyền lợi chính đáng, rõ ràng cho các TNV.

Trước đó phản ánh với Dân trí, một nhóm y bác sĩ TNV cho biết, theo lời kêu gọi của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, tháng 8/2021 họ đăng ký với Sở Y tế TPHCM tham gia chống dịch tại BV dã chiến số 6, có đơn vị chủ quản là BV PHCN-ĐTBNN TPHCM.

Trong thời gian làm việc, nhóm TNV được ký hợp đồng thỏa thuận làm việc, loại hợp đồng một tháng, sau đó nếu có nguyện vọng ở lại thêm thì gia hạn tiếp.

"Hầu hết nhóm đều ký từ 3 tháng là tháng 8, 9, 10 năm 2021. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa được thanh toán tiền hỗ trợ chống dịch theo như hợp đồng đã ký, theo công văn 6041 Bộ Y tế ngày 7/8/2021" - đại diện các TNV chia sẻ.

Điều các TNV bức xúc là sau 3 lần liên hệ, phía BV chủ quản trả lời "mỗi lần một kiểu", lúc thì nói đã chi hết rồi, lúc thông báo hợp đồng chuyển về không đủ, và đến ngày 11/1 thì bất ngờ báo "hợp đồng bị thất lạc", yêu cầu mọi người nộp lại bản scan.

Các TNV khẳng định với tinh thần tự nguyện và lương tâm của người làm ngành y, họ không ngại khó, ngại khổ, không ngại nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng để chung tay cùng cả nước chống dịch. Nhưng số tiền hỗ trợ bị "ngâm" nhiều tháng trời là tiền ghi nhận công sức và sự hy sinh mà họ đã bỏ ra.