Xuất hiện triệu chứng này cần nghĩ ngay đến khối u ở lưỡi

Minh Nhật

(Dân trí) - Ung thư lưỡi là bệnh có thể phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao.

Cách đây một tháng, người đàn ông sống tại Phú Thọ bất ngờ xuất hiện u vùng rìa lưỡi. Gần đây, khối u to dần, dễ chảy máu khi ăn uống, vệ sinh răng miệng, bệnh nhân quyết định đến Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định khối u nằm ở vị trí rìa trái của lưỡi, kích thước khoảng 1x2 cm, ranh giới khá rõ, di động, dễ chảy máu, không thấy có hạch to bất thường vùng cổ.

Bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật cắt rộng khối u lưỡi sau khi thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết. Kết quả sinh thiết tức thì trong mổ là u mạch lành tính.

Theo các bác sĩ, các khối u vùng lưỡi do sự phát triển quá mức của tế bào có thể tiến triển thành ung thư nếu không được phát hiện sớm và điều trị.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡi

Xuất hiện triệu chứng này cần nghĩ ngay đến khối u ở lưỡi - 1

Theo các bác sĩ, các khối u vùng lưỡi do sự phát triển quá mức của tế bào có thể tiến triển thành ung thư nếu không được phát hiện sớm và điều trị (Ảnh: Internet).

Ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, trong đó chủ yếu là ung thư biểu mô vảy (chiếm >95%). Đây là bệnh ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng (chiếm 30-40%).

Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), hầu hết các trường hợp mắc ung thư lưỡi không tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng người ta cho rằng có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh.

- Hút thuốc lá: Nghiên cứu cho thấy nếu hút 15 điếu/ngày kéo dài 20 năm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp 5 lần so với người không hút.

- Rượu: Nếu một người vừa hút thuốc vừa uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư đầu mặt cổ tăng lên 10-15 lần.

- Nhai trầu: Đây là yếu tố nguy cơ trong ung thư khoang miệng. Người nhai trầu có nguy cơ mắc cao gấp 4-35 lần so với người không nhai trầu. 

- Tình trạng vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng kém, hàm răng giả không tốt, răng mẻ kích thích lâu ngày có thể dẫn đến dị sản và ung thư.

- Nhiễm vi sinh vật: Nhiễm virus HPV, đặc biệt là type 2, 11, 16 đã được chứng minh là thấy nhiều trong những bệnh nhân bị ung thư khoang miệng.

- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt, hoa quả cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư khoang miệng, trong đó có ung thư lưỡi.

Không chủ quan với bất thường ở lưỡi

Ung thư lưỡi là bệnh có thể phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao.

Ung thư lưỡi dễ nhầm lẫn với bệnh ở miệng thông thường. Đây là yếu tố dễ gây chủ quan cho người bệnh, vì vậy khi có những biểu hiện bất thường vùng khoang miệng cần đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt.

Ở giai đoạn sớm bệnh có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật. Ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.