Xử lý vết thương như thế nào để phòng uốn ván?

(Dân trí) - Là người hay bị xây xát chân tay do đá bóng, tôi rất lo lắng về tình trạng có thể nhiễm uốn ván từ những vết thương nhỏ. Xin hỏi phải xử lý vết thương như thế nào để phòng nhiễm trùng uốn ván?

Và vắc xin uốn ván có tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn uấn ván suốt đời không? Văn Thành (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội).
 
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, trả lời:
 
Qua thực tế các ca điều trị nhiễm trùng uốn ván tại bệnh viện cho thấy, căn bệnh này thường gặp ở nam giới, nhất là ở lứa tuổi trung niên vì họ đã không còn được bảo vệ của vắc xin phòng uốn ván như phụ nữ và trẻ em (2 đối tượng này thường được tiêm dự phòng khi nhỏ và lúc mang thai).
Xử lý vết thương như thế nào để phòng uốn ván? - 1
Một trường hợp nguy kịch vì nhiễm trùng uốn ván đang điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (Ảnh: D.N)
 
Bất cứ ai có vết thương, xây xát chân tay nào đều có nguy cơ bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập vì vi khuẩn uấn ván tồn tại nhiều trong môi trường và có sức sống mãnh liệt, dù phơi nắng hay đun sôi đều không chết.
 
Do vi khuẩn uốn ván chỉ gây bệnh khi vết thương dập nát, có môi trường kị khí (thiếu ô-xy) nên việc cần làm ngay sau khi có vết thương, xây xát là phải xử lý sạch sẽ bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương (như đất, cát), cắt lọc hết phần dập nát, rửa sạch bằng dung dịch sát trùng. Vết thương có nguy cơ nhiễm trùng phải dùng kháng sinh.
 
Tuy nhiên, xử lý vết thương sạch sẽ thôi chưa đủ, với những vết thương dập nát nhiều, người bệnh nên kiểm tra lại thời điểm mình tiêm vắc-xin gần nhất vì giá trị bảo vệ của vắc-xin uốn ván chỉ trong 10 năm. Nếu quá thời điểm này, cần đi tiêm huyết thanh và vắc-xin phòng uốn ván. Đây là phương pháp phòng bệnh chủ động, chi phí lại không quá tốn kém.

Hồng Hải (ghi)