1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nguy kịch vì vết "sứt chân" nhiễm uốn ván

(Dân trí) - Chỉ từ những vết thương khá nhỏ như bật móng chân, bị rơi vật nặng vào chân… mà nhiều người đã bị bội nhiễm uốn ván, khiến toàn thân “giật đùng đùng”, chân tay co cứng, phải thở máy và tính mạng rất nguy kịch.

6 bệnh nhân thập tử nhất sinh vì uốn ván

Tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, hiện có 6 bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván nặng đang điều trị. Đây là 6 trong số 43 trường hợp nhiễm trùng uốn ván (có 8 bệnh nhân ở Hà Nội) được điều trị tại bệnh viện từ đầu năm 2011 đến nay. “Có 6 người bệnh thì tới 5 người vẫn đang phải thở máy, điều trị tích cực mà vẫn chưa thể khẳng định bệnh nhân sẽ vượt qua hiểm nguy”, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết.

BS Cấp dẫn chúng tôi đến giường bệnh của em V.V.D (25 tuổi ở Lương Đình Của, Đống Đa, Hà Nội) - một trong những bệnh nhân nặng, nguy kịch nhất. Xung quanh giường bệnh là máy móc, dây thở, đang nằm bất động, D. đột ngột co cứng toàn thân, “giật đùng đùng”, lưng nẩy khỏi giường khiến người chăm nom lẫn người bệnh xung quanh vừa sợ, vừa thương.

 

Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó D. có đi đá bóng và bị vấp khi chạy khiến móng chân trái có hơi bật lên. D cũng đã tới bệnh viện rửa, băng bó vết thương và tiêm huyết thanh kháng uốn ván. Nhưng khoảng 10 ngày sau, D. bỗng cứng hàm, khó há miệng và được chuyển tới bệnh viện Nhiệt đới TƯ sáng 30/4 trong tình trạng co cứng toàn thân, liên tục “giật đùng đùng”.

 

Ngay khi vào viện, do bị co thắt ở vùng hầu họng, không thở được nên các bác sĩ phải mở khí quản và cho bệnh nhân thở máy, điều trị tích cực đã 10 ngày nay mà tình trạng bệnh nhân vẫn nguy kịch, liên tục bị co giật phải dùng an thần liều cao.  

Nguy kịch vì vết "sứt chân" nhiễm uốn ván - 1
Một ca nhiễm uấn ván nguy kịch đang được điều trị tích cực tại bệnh viện
Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Dương Ngọc

Cùng phòng bệnh của D còn có bệnh nhân Vũ Ngọc H. (46 tuổi ở Nam Định) cũng đang ở trạng thái hôn mê, phải thở máy. Chị Trần Thị Quế, vợ bệnh nhân cho biết, trước đó gần một tháng anh H. bị viên gạch rơi vào ngón chân cái nhưng vì không sưng đau lắm nên đã tự rửa vết thương bằng ô-xy già, tự uống kháng sinh phòng nhiễm trùng đến khi vết thương liền miệng, khô ráo. Tuy nhiên, 1 tháng sau đó, anh H. bỗng cứng hàm, khó nuốt, khó há miệng, đau thắt lưng, gia đình vội chuyển tới bệnh viện Nhiệt đới. “Khi tới viện, bệnh nhân vẫn tự đi lại được bình thường nhưng sau đó 2 ngày thì bệnh tiến triển nặng lên, khó thở, phải mở khí quản và nhờ tới máy thở hỗ trợ và sau đó là tình trạng sốt, người căng cứng, giật liên hồi”, BS Cấp nói.

Đến sáng 10/5, khi tiếp xúc với phóng viên Dân trí, chị Quế vẫn chẳng hiểu sao chồng mình chỉ bị vết thương nhỏ, vết thương đã khô, se miệng mà rồi lại bị hôn mê, người thì cứ giật, giãy lên như thế.

Chi phí trung bình điều trị cho một bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván khoảng 100 triệu/bệnh nhân. Trong khi chi phí tiêm huyết thanh uống ván và vắc-xin uốn ván chưa tới 100 ngàn.
 
 “Vì chủ quan, người bệnh phải gánh chịu hậu quả do chính sự chủ quan của mình gây ra”, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Phòng bệnh tốn một, trị bệnh tốn gấp trăm ngàn lần

BS Cấp cho biết, cả 6 ca nhiễm trùng uấn ván đang điều trị tại khoa đều đang rất nguy kịch, đặc biệt là ca bệnh của nam thanh niên 25 tuổi bị nhiễm trùng từ vết thương sau đá bóng.

“Với ca bệnh này, thời gian khởi phát bệnh ngắn, chỉ ủ bệnh trong 10 ngày rồi khởi phát với những triệu chứng dồn dập, căng cứng cơ, bị giật liên tục... chứng tỏ độc tố tiết ra quá nhiều, việc điều trị sẽ vô cùng tốn kém và lâu dài”, BS Cấp nói.

Vi khuẩn uốn ván có sức sống rất mãnh liệt, từ đun sôi đến phơi nắng đều không chết. Khi xâm nhập vào vết thương, đặc biệt vết thương dập nát nhiều, môi trường thiếu ô xy (kị khí) thì nha bào uốn ván thoát vỏ phát triển thành vi khuẩn uốn ván, nhân lên tiết ra các độc tố mà không hề gây sưng nề. Đó là lý do “Vết thương có thể khô, đóng kín miệng nhưng độc tố vẫn phát triển và gây bệnh”, BS Cấp cảnh báo.

Trong khi đó, vi khuẩn nha bào uốn ván có nhan nhản ở mọi nơi, từ đất, cát, môi trường có nhiều phân súc vật. Vì thế, bất cứ ai bị vết thương đều có nguy cơ xâm nhập nhưng chỉ gây bệnh khi có vết thương dập nát, có môi trường kị khí.

Vì thế, khi bị những tổn thương dù nhỏ như bong dập móng chân do vấp ngã, do ngã sát tay, chân, do rơi vật nặng vào chân… dù vết thương không nặng nề, nhưng người bệnh phải xử lý vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương, cắt lọc hết phần dập nát, rửa sạch bằng dung dịch sát trùng. Nếu vết thương có nguy cơ nhiễm trùng phải dùng kháng sinh.

Sau khi xử lý vết thương cần phải đi tiêm phòng huyết thanh kháng uốn ván (tức là kháng thể có sẵn, bảo vệ được trong vòng 7 ngày, nếu vi trùng uốn ván có xâm nhập thì sẽ có tác dụng bảo vệ) và tiêm luôn cả vắc-xin phòng uốn ván. Vì sau tiêm vắc-xin khoảng 1 tuần cơ thể mới sinh ra miễn dịch chủ động, tiếp tục bảo vệ cơ thể thay cho hiệu quả của huyết thanh cũng vừa hết.

Hồng Hải