1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xử lý thuốc cam quyết liệt nhưng chậm

Vụ thuốc cam nhiễm chì đang gây xôn xao dư luận, trong đó có sự “vào cuộc quyết liệt” của Bộ Y tế như bình luận của báo giới hôm 19/4 hình như bị muộn. Bởi ngay trước đó (17/4), đã có thêm một bệnh nhi tử vong do nhiễm chì sau khi uống thuốc cam kéo dài.

 

Xử lý thuốc cam quyết liệt nhưng chậm

Bố con bé Đặng Vũ Chính (12 tháng tuổi, ở Thái Bình) tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Bé Chính bị nhiễm chì hàm lượng 123,46 mcg/dl sau khi dùng thuốc cam, sau một thời gian dài điều trị lượng chì trong máu bé vẫn ở mức 34 mcg/dl - Ảnh: L.Anh

 

Đây là trường hợp thứ hai tử vong liên quan đến thuốc cam trong 5 tháng qua, chưa kể 130 bệnh nhân được xác định nhiễm độc chì sau khi dùng thuốc cam riêng tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tính từ tháng 11/2011 đến tháng 4/2012.

 

Người dân rất bất ngờ bởi thuốc cam là vị thuốc dân gian được người dân thôn quê ưa dùng để chữa chứng tưa lưỡi và lười ăn, chậm lớn của trẻ, nay hóa ra là vị thuốc gây độc. Dân quê thuần hậu, họ luôn nghĩ thuốc dân gian, đông y lành, thích hợp với trẻ em. Làm sao dám trách những ông bố, bà mẹ tận tụy thương con, họ chỉ biết luống rau, mảnh ruộng và những gì gần gũi như chữa bệnh cho con thì tìm loại thuốc cam quen thuộc ngay ở chợ nhà.

 

Thật đáng tiếc khi thông tin thuốc cam gây độc đã không đến được với họ. Và rõ ràng các cơ quan có trách nhiệm đã không tích cực đưa vấn đề thuốc cam đến với người dân. Bởi ngay từ tháng 11/2011, khoa thần kinh Bệnh viện Nhi .Ư đã có cảnh báo gia tăng tình trạng ngộ độc chì liên quan đến thuốc cam. Tình trạng nghiêm trọng đến mức hôm 20/1/1012, văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại VN đã có thư cho Bộ Y tế nhận định: “Sự gia tăng của các trường hợp nhiễm độc chì do dùng thuốc cam cần được xem như mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng”.

 

Nhưng chúng ta đã ứng xử với “mối đe dọa nghiêm trọng” một cách thật từ tốn. Mãi đến ngày 18/4 mới có phiên họp đầu tiên do lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì để xử lý vấn đề thuốc cam. Đến nay vẫn chưa có phác đồ chuẩn điều trị tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em. Danh sách các cơ sở bán thuốc cam liên quan đến bệnh nhi nhiễm chì chưa được công bố công khai. Số trẻ em từng dùng thuốc cam được đưa đến bệnh viện định lượng chì trong máu tăng vọt những ngày qua đều là tự phát, do bố mẹ các cháu nghe tin thuốc cam độc trên tivi và báo chí.

 

Khi chuyện thuốc cam gây độc được đưa lên báo chí, nhiều người nói thật ra đây là chuyện nhỏ. Ngành y tế còn bao nhiêu chuyện lớn ảnh hưởng đến cả triệu người bệnh như viện phí, bảo hiểm y tế, quá tải bệnh viện... đều đang rất cần được giải quyết.

 

Sinh mạng con người là quan trọng, và sứ mạng của thầy thuốc là cứu người, mỗi vấn đề ảnh hưởng đến sinh mạng của con người, với ngành y tế lẽ ra đều phải là những chuyện lớn, chuyện hệ trọng mới là cách ứng xử phù hợp y đức.

 

Khi đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, nhìn gia đình anh Vũ Văn Bao ở Mỹ Đức, Hà Nội có hai con trai thì cả 2 cháu bị nhiễm chì sau khi dùng thuốc cam, nhiều người cứ chép miệng sao mà cha mẹ bé lại đem thứ thuốc xanh đỏ gói trong giấy báo cho con mình uống hàng tháng trời. Nhưng ở làng xã anh Bao sống có y tế xã y tế thôn không, có chính quyền xã chính quyền thôn không, vì sao lại để tình trạng thuốc không rõ nguồn gốc lưu hành tự do? Chưa kể vai trò của sở y tế, của Bộ Y tế ở đâu mà từ năm ngoái chuyện thuốc cam rầm rộ đến thế rồi, giờ đây mới bàn nhau phương hướng xử lý? Hay thuốc cam với Tổ chức Y tế thế giới là chuyện lớn, với chúng ta lại là chuyện nhỏ?

 

Theo Hồng Hà

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm