1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xử lý chứng ợ nóng, đau họng ở phụ nữ mang thai?

(Dân trí) - Tôi đang mang thai tháng thứ 8. Một tuần trở lại đây, tôi thấy đau rát, rất nóng vùng họng, thực quản mỗi sáng ngủ dậy. Tôi uống thuốc viêm họng đông y nhưng không đỡ. Xin hỏi có phải tôi bị hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản không?

Liệu tôi có phải uống thuốc để xử lý tình trạng này? Nhưng quả thực, tôi không muốn uống thuốc vì đang mang bầu. Xin bác sĩ một lời khuyên? Hoàng Hoa (Hải Hậu, Nam Định).
 
Xử lý chứng ợ nóng, đau họng ở phụ nữ mang thai? - 1
Tư thế ngủ cao đầu sẽ giúp giảm nguy cơ ợ nóng vùng thực quản,
 đau rát họng cho bà bầu
 

ThS Hoàng Đình Ngọc, Giám đốc bệnh viện Tai - Mũi - Họng TƯ trả lời:

Như bạn mô tả, khả năng bạn bị trào ngược dạ dày - thực quản là rất lớn. Bình thường, thỉnh thoảng cũng có hiện tượng trào ngược dịch dạ dày lên thực quản nhưng rất nhẹ vì thế không gây hậu quả gì. Còn khi hiện tượng này tăng lên, dịch vị từ dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản nên rất dễ gây viêm họng, viêm thực quản...

Riêng ở các bà bầu, nguy cơ này tăng lên ở những tháng cuối do thai nhi to, chèn ép vào dạ dày, đẩy dạ dày lên cao khiến các dịch vị từ dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản.

Với căn bệnh này (ở cả người bình thường lẫn các bà bầu) thì thuốc chỉ có giá trị điều trị triệu chứng. Vì nếu dùng kháng sinh trong trường hợp này, mới chỉ tạm thời chữa được phần “ngọn” (nhưng sẽ nhanh chóng bị tái lại), còn phần gốc, do trào ngược thực quản là nguyên nhân cơ bản gây tái diễn đau rát họng, nóng vùng thực quản thì chưa được điều trị triệt để. Vì vậy, thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ mới phòng hiệu quả căn bệnh này.

Vì thế, bạn không cần thiết phải uống thuốc viêm họng đông y và tôi cho rằng, tình trạng của bạn cũng có thể khắc phục mà không cần thiết phải uống các loại thuốc khác.

Cơ bản nhất, bạn hãy điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt. Về chế độ ăn, bạn đang mang bầu cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cơ bản không kiêng khem thực phẩm nào đặc biệt, trừ các chất kích thích như cay nóng, hạt tiêu, rượu bia. Mỗi bữa ăn, bạn nên ăn ít, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn chậm, nhai kỹ để tránh sức ép cho dạ dày. Khi ăn xong, không nên nằm ngay mà nên ngồi ghế cao, tựa lưng nghỉ ngơi. Cũng không nên ngồi quá lâu mà cứ 30 phút, hãy đứng dậy, đi lại, thư giãn một chút.

Thứ hai là cần chú ý về tư thế ngủ. Để tránh ợ nóng, đau họng do trào ngược dạ dày - thực quản, thì giường ngủ nên kê cao (có độ dốc) ở phía đầu giường từ 15 - 20cm. Ngủ ở tư thế nằm cao từ phần vai, đầu, nằm nghiêng cũng sẽ giúp dịch vị từ dạ dày không bị trào ngược lên, gây nóng, đau rát vùng họng.

Khi áp dụng những biện pháp này mà tình trạng không đỡ, nặng lên thì bạn có thể đi khám thầy thuốc chuyên khoa để có thể được kê uống một số loại thuốc (có thể cân nhắc sử dụng cho phụ nữ mang thai) giúp ngăn tình trạng trào ngược này.

Hồng Hải (ghi)