Xử lý chứng chỉ hành nghề y giả không dễ!
Từ năm 2013 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP mới xác định được hai trường hợp cho thuê chứng chỉ hành nghề y.
Tính mạng, sức khỏe con người bị một bộ phận đội lốt thầy thuốc đưa ra mua bán làm giàu. Hành vi này là hết sức nguy hiểm, tuy nhiên việc xử lý các đối tượng này đến nay chưa mấy hiệu quả. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết như vậy.
Xử lý giấy giả cũng không dễ
Thưa ông, Sở Y tế TP xử lý thế nào đối với các trường hợp dùng giấy chứng chỉ hành nghề (CCHN) giả hoặc giấy phép hoạt động (GPHĐ) giả để hành nghề khám, chữa bệnh và bán thuốc?
TS-BS Bùi Minh Trạng: Khi phát hiện các loại giấy tờ giả trong lĩnh vực y tế nói chung như bằng bác sĩ, dược sĩ giả, giấy CCHN, GPHĐ giả… thì chúng tôi đều có văn bản chuyển sang cơ quan công an (giữa Công an TP.HCM và Sở Y tế có ký quy chế phối hợp) để yêu cầu bên đó tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Như trường hợp mới đây ngày 20-7, ngay sau khi phát hiện bà Lê Thị Kim Chi (40 tuổi, ngụ quận 10) sử dụng bằng dược sĩ giả để xin CCHN, chúng tôi đã làm công văn gửi Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP.HCM.
Kết quả xử lý các trường hợp trên như thế nào?
Phần lớn các trường hợp được cơ quan công an cho biết là những đối tượng làm giả giấy tờ thường giao dịch qua mạng Internet nên phải mất nhiều thời gian theo dõi, xác minh nên đến nay chưa có kết quả cụ thể.
Vì sao chuyển cơ quan công an mà Thanh tra Sở Y tế TP không tự xử lý?
Vì việc giả mạo giấy tờ thuộc lĩnh vực hình sự, không thể xử phạt vi phạm hành chính nên chúng tôi phải chuyển cơ quan công an.
Phạt thuê mướn: Bằng chứng đâu?
Thưa ông, lâu nay ngành y tế đã phát hiện được hành vi cho thuê mướn CCHN, GPHĐ của dược sĩ và bác sĩ?
Kể từ khi Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ban hành, trong đó có điều khoản phạt hành vi cho thuê mướn bằng cấp thì Thanh tra Sở Y tế chỉ mới xác định được hai trường hợp cho thuê mướn CCHN y, còn CCHN dược thì chưa.
Việc xác định hành vi thuê mướn như vậy là không dễ, tại sao?
Việc xác định hành vi này rất khó. Nhiều trường hợp chúng tôi nghi ngờ cho thuê mướn nhưng phải chứng minh được người thuê và người đi thuê CCHN có hợp đồng hoặc bằng chứng nào đó thì rất khó. Trong phần lớn trường hợp những người này chỉ nói miệng nên khi hỏi thì họ chối phăng việc cho thuê mướn. Nhiều trường hợp chúng tôi kiểm tra chỉ phạt lỗi không có mặt dược sĩ tại nhà thuốc, còn hành vi cho thuê mướn thì rất khó phát hiện.
Thưa ông, còn việc dược sĩ ở các tỉnh đổ về TP hoạt động?
Các dược sĩ này chấp nhận bị xử phạt lỗi vắng mặt tại nhà thuốc. Vì số tiền phạt 4 triệu đồng là không nhiều nên họ không sợ.
Gần đây lại xuất hiện một người có đến hai CCHN, ngành y tế xử lý thế nào?
Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định người có CCHN có thể đăng ký hoạt động ở bất kỳ nơi nào, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người hành nghề. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quản lý chưa theo kịp với diễn biến thực tế. Hiện nay, việc một bác sĩ, dược sĩ có hai CCHN vẫn chưa có quy định xử lý. Khi phát hiện vụ việc cụ thể thì chúng tôi chỉ thu hồi một chứng chỉ đã cấp hoặc không cấp tiếp chứng chỉ thứ hai. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Y tế là với những trường hợp này sẽ phải cấm hành nghề trong một thời gian.
“Trách nhiệm thuộc chúng tôi”
Trách nhiệm của ngành y tế như thế nào khi để “lọt lưới” những kẻ dùng giấy CCHN giả?
Việc sử dụng CCHN, GPHĐ giả trong lĩnh vực y tế là vô cùng nguy hiểm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Trách nhiệm để lọt những trường hợp này trước hết là của chúng tôi. Bản thân tôi đã từng đặt nghi vấn về 1.200 phòng nha đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM, liệu số bác sĩ răng-hàm-mặt có nhiều đến vậy không. Chúng tôi rất trăn trở điều này. Thanh tra đã kiến nghị việc thực hiện hậu kiểm hồ sơ cấp phép để loại trừ những trường hợp dùng giấy giả.
Giữa “trùng vây” giấy giả, ông đề xuất những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng đáng lo này?
Bằng mọi cách phải ngăn chặn không cho những đối tượng này hành nghề bất hợp pháp. Với người có bằng thật nhưng sử dụng giấy xác nhận công tác giả để xin CCHN, chúng tôi đang kiến nghị Bộ Y tế phải xử lý chế tài, không cấp phép cho các đối tượng này trong một thời hạn nhất định. Còn những việc nảy sinh trong thực tiễn nếu luật chưa đề cập thì cần phải bổ sung. Chẳng hạn, một cơ sở y tế xác nhận không đúng về trình độ chuyên môn và thời gian thực hành cho người hành nghề nhưng khi phát hiện chỉ bị nhắc nhở thôi thì sắp tới luật phải bổ sung quy định xử phạt.
Theo Duy Tính
Pháp luật TPHCM