1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xu hướng thừa nam thiếu nữ tiếp tục gia tăng

(Dân trí) - Tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2000 ngưỡng 106,2 bé trai/ 100 bé gái đã tăng lên đến 112,2 bé trai/100 bé gái tính đến 2014. Đáng nói xu hướng này tiếp tục tăng lên.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện đáng báo động. Tới 55 trong số 63 tỉnh thành có tỷ lệ giới tính khi sinh hơn 108 bé trai/ 100 bé gái. Năm 2014, tỷ số này ở mức 112,2 bé trai trên 100 bé gái và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Theo thống kê, số lượng tỉnh có tỷ lệ giới tính nam khi sinh từ 115 trở lên tăng từ 10 tỉnh thành vào năm 2009 lên 16 vào năm 2014.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo theo nhiều hệ lụy do thừa nam, thiếu nữ. Để khống chế, giảm tốc tộ chênh lệch tỷ số giới tính sau sinh, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025.

Đề án đặt mục tiêu khống chế nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên. Cụ thể, phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115 vào năm 2020. Ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 115 trở lên, giảm tỷ số giới tính khi sinh ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016-2020; phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Để thực hiện mục tiêu này sẽ cần thực hiện một loạt giải pháp, từ truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất bằng giới tính khi sinh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; hợp tác quốc tế...

Đề án này sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là giới và bình đẳng giới bằng các hình thức tiếp cận và thông điệp phù hợp.

Bên cạnh đó, Đề án sẽ xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo; cho cha mẹ sinh con một bề gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu...

Tú Anh