Xét nghiệm tầm soát ung thư giá bao nhiêu?

Hà An

(Dân trí) - Xét nghiệm tầm soát ung thư rất cần thiết giúp phát hiện sớm và nâng cao hiệu quả điều trị. Xét nghiệm dấu ấn ung thư thường được phối hợp với thăm khám lâm sàng và những xét nghiệm chuyên sâu khác.

Sự cần thiết của việc xét nghiệm tầm soát ung thư

Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư. Nếu có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và tiết kiệm về chi phí. Ngược lại, khi phát hiện ở giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Hiện nay, các kỹ thuật xét nghiệm tầm soát ung thư tại Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, hãy đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Xét nghiệm tầm soát ung thư giá bao nhiêu? - 1

Chi phí xét nghiệm tầm soát ung thư

Tại Việt Nam, các bệnh ung thư phổ biến ở nam giới là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến (chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư). Các bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới là ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư). 

Tuy nhiên, đây chỉ là một số xét nghiệm thường sử dụng để tầm soát các bệnh ung thư phổ biến. Các dấu ấn ung thư này vẫn được sản xuất với nồng độ thấp ở các mô bình thường. Điểm khác biệt là, riêng các khối u sẽ sản xuất chúng với số lượng lớn. Do đó, ta có thể phân biệt u lành với u ác (ung thư) hoặc phát hiện ung thư qua việc xét nghiệm máu tìm các chất này.

Một số dấu ấn ung thư đặc hiệu với chỉ một loại ung thư, tuy nhiên, số khác lại tăng trong nhiều loại ung thư khác nhau.

Phần lớn các dấu ấn ung thư cũng tăng trong các bệnh "không phải ung thư khác". Ví dụ: CEA có thể tăng gây dương tính giả trong: viêm phổi, khí phế thũng, viêm gan, viêm loét dạ dày tá tràng, polyp trực tràng, bệnh vú lành tính...

Vì thế, các bác sĩ có thể cần tới các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng.

Hầu hết các ung thư lần đầu được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng xuất hiện hoặc nhờ vào quá trình sàng lọc thông qua các xét nghiệm về dấu ấn ung thư. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định vẫn phải nhờ vào sinh thiết khối u hoặc các xét nghiệm chuyên sâu khác.

Xét nghiệm tầm soát ung thư giá bao nhiêu?

Chi phí các xét nghiệm tầm soát ung thư (dấu ấn ung thư) tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương dao động từ dưới 100.000  đồng đến trên 200.000 đồng/ 1 marker ung thư.

Dưới đây là bảng giá một số xét nghiệm ung thư tại Viện:

Xét nghiệm tầm soát ung thư giá bao nhiêu? - 2

Một số dấu hiệu của bệnh ung thư 

Hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng không phải do ung thư mà có thể do những nguyên nhân khác gây ra. Nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu ung thư không phải là nguyên nhân, bác sĩ có thể giúp tìm ra nguyên nhân là gì và điều trị nó, nếu cần.

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến hơn có thể do ung thư:

- Mệt mỏi hoặc cực kỳ mệt mỏi không thuyên giảm khi nghỉ ngơi.

- Giảm cân hoặc tăng từ 4-5kg trở lên mà không rõ lý do.

- Các vấn đề về ăn uống như không cảm thấy đói, khó nuốt, đau bụng hoặc buồn nôn và nôn.

- Sưng hoặc nổi cục ở bất cứ đâu trên cơ thể.

- Dày hoặc có cục ở vú hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

- Đau, đặc biệt là cơn đau mới hoặc không rõ lý do, không biến mất hoặc trở nên tồi tệ hơn.

- Những thay đổi về da như một khối u chảy máu hoặc chuyển sang đóng vảy, nốt ruồi mới hoặc nốt ruồi thay đổi, vết loét không lành, da hoặc mắt có màu hơi vàng (vàng da).

- Ho hoặc khàn giọng không biến mất.

- Chảy máu hoặc bầm tím bất thường không rõ lý do.

- Thay đổi thói quen đi tiêu, chẳng hạn như táo bón hoặc tiêu chảy, không biến mất hoặc thay đổi ở phân của bạn,

- Những thay đổi ở bàng quang như đau khi đi tiểu, tiểu ra máu hoặc cần đi tiểu thường xuyên hơn hoặc ít hơn.

- Sốt hoặc đổ mồ hôi ban đêm.

- Nhức đầu.

- Vấn đề về thị giác hoặc thính giác.

- Các thay đổi ở miệng như lở loét, chảy máu, đau hoặc tê.

Làm gì để dự phòng ung thư?

Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư bạn cần:

- Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp: ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có nhiều đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu. Tránh sử dụng thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng…

- Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích…

- Xây dựng chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, tích cực

- Sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn.

- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ: viêm gan B, HPV…