1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xem bố nướng cá, con bỏng nặng

Số bệnh nhi khám và điều trị vì bỏng trong những ngày đầu mùa nóng tăng mạnh, một phần nguyên nhân do đây là thời điểm trùng với lịch nghỉ hè của học sinh. Đáng buồn, đa số trường hợp bị bỏng chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn.

Chăm sóc trẻ bị bỏng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: T.Nguyên
Chăm sóc trẻ bị bỏng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: T.Nguyên

Muôn vàn tình huống gây bỏng

Anh Nguyễn Văn C (ở Thường Tín, Hà Nội) ôm con bị bỏng nguyên cánh tay đang điều trị ở Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) kể, cuối tuần trước, nhà anh có tiệc vui, đưa cá chỉ vàng ra nướng để nhậu. Thấy bố đốt lửa nướng cá, cậu con trai 3 tuổi của anh cũng háo hức tham gia, đòi ngồi vào lòng bố cùng nướng. Khi vừa đổ cồn vào đĩa cá để nướng, cậu con trai bị cồn táp lên toàn bộ tay trái, khiến bé bỏng nặng.

Một trường hợp khác cũng đang điều trị tại Khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) là bé Trương Thị Minh N (4 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội). Theo lời kể của mẹ bé, bé N được nghỉ hè từ đầu tuần trước. Vì thời tiết quá nóng nên chị hạn chế cho con ra ngoài chơi. Ai ngờ, buổi trưa khi chị vừa bưng bát canh cua từ bếp ra, bé lại nô đùa cùng anh trai, níu vào tay mẹ nhờ “giải vây”. Kết quả, bát canh nóng hổi đổ lên người bé.

Theo BS Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), từ đầu mùa nóng đến nay, khoa tiếp nhận khám trên 10 bệnh nhân/ngày. Điểm đặc biệt là có tới 30 - 40 bệnh nhân gồm cả người lớn và trẻ nhỏ bỏng cồn do nướng cá. Số bệnh nhân này so với các năm trước được đánh giá là tăng mạnh. Ngoài trường hợp con trai anh C ở trên, còn có những trường hợp bị bỏng do nổ cả lọ cồn. Còn với các loại bỏng khác (bỏng nước sôi, dầu ăn…), số bệnh nhân tăng khoảng 20%.

BS Nguyễn Thống cho biết: “Ngày thường, trên 90% bệnh nhi bị bỏng có độ tuổi từ 1-1,5 tuổi do bé chưa nhận thức được những nguy hiểm xung quanh. Mọi thứ với các bé đều là đồ chơi, lại tò mò hay bắt chước nên tai nạn rình rập các bé mọi nơi, mọi lúc. Thời gian hơn một tuần gần đây trùng với lịch nghỉ hè của các cháu, số trẻ từ 7-8 tuổi (thậm chí có trẻ 15 tuổi) bị bỏng chiếm tỷ lệ cao hơn”.

Theo BS Nguyễn Thống, hầu hết các trường hợp bệnh nhi bị bỏng lại là con em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở nông thôn, hoặc những gia đình ngoại tỉnh di cư lên thành phố, sống trong những khu nhà thuê trọ đường điện, bếp nấu tạm bợ...

Không điều trị bỏng tại nhà và cơ sở không tin cậy

Các bác sĩ chuyên ngành Bỏng khuyến cáo, hầu hết các nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn. Khi trẻ đã bị bỏng, một trong những sai sót thường gặp của gia đình là không đưa bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời mà tự điều trị tại nhà, hoặc sử dụng không đúng chỉ định các thuốc điều trị tại chỗ vết bỏng… nên có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Cách đây không lâu, Viện Bỏng Quốc gia tiếp nhận bé trai Trần Nguyễn Hải Đ (2 tuổi, quê ở Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Bé bị bỏng nước sôi vùng thân và chi, sau đó gia đình tự điều trị tại nhà bằng thuốc uống và thuốc bôi không rõ nguồn gốc. Sau 8 ngày tự điều trị, bé sốt cao, thở ậm ạch, vùng bỏng thấm dịch nhiều thì gia đình mới đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Do tình trạng bệnh quá nặng, diễn biến xấu dần, nên sau hai ngày nhập viện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định đã phải chuyển bé lên Viện Bỏng Quốc gia.

Khi lên tới Viện Bỏng Quốc gia, bé Đ vật vã, kích thích, da toàn thân nổi các vân tím, sốt cao, môi tím, thở nhanh, nông... Tại chỗ tổn thương, bỏng 10% diện tích cơ thể, chuyển hoại tử thứ phát toàn bộ, tiết dịch nhiều, màu xanh, mùi hôi. Bé được chuyển vào Khoa Điều trị tích cực với chẩn đoán: Bỏng nước sôi 10% độ IV, V bụng, ngực, tay trái, chân trái, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Bệnh nhân diễn biễn xấu, tiên lượng rất nặng, dù được áp dụng nhiều phương pháp nhưng một ngày sau, gia đình xin đưa bệnh nhân về, sau đó tử vong.

Gần đây nhất, theo BS Nguyễn Băng Tâm (Viện Bỏng Quốc gia), cuối tháng 4/2016, Viện đã cấp cứu một bệnh nhân quê ở Vĩnh Phúc bị bỏng lửa cồn 10% diện tích vùng chân phải (trong đó 8% bỏng sâu). Qua khai thác bệnh sử được biết, ngày giữa tháng 4, bệnh nhân nghịch đốt lọ cồn, bùng cháy gây bỏng. Sau đó, bệnh nhân được cấp cứu và được điều trị tại một cơ sở y tế tư nhân vùng Vĩnh Yên. Do không phân biệt được bỏng nông và sâu nên bệnh nhân vẫn được giữ lại điều trị tại cơ sở này. Bệnh nhân được thay băng 4 lần/ngày, vết thương tiết dịch nhiều, mùi rất hôi. Sau khi bị bỏng 15 ngày, bệnh nhân được gia đình chuyển tới Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng vết thương hoại tử đã rụng tiết dịch mủ vừa, mô hạt phù nề, nhiều giả mạc, tiết dịch mùi hôi, nguy cơ gây biến dạng khớp gối, ảnh hưởng đến vận động do tư thế chống đau của bệnh nhân. Sau khi được điều trị tích cực, ghép da, giữa tháng 5, bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Trẻ bị bỏng, sau khi cách ly nguyên nhân gây bỏng, cha mẹ cần biết sơ cứu bỏng bằng cách: Ngâm vùng bị bỏng vào nước sạch, mát (16 - 20oC), hoặc dội nước, hoặc hứng vùng bị bỏng dưới vòi nước mát sạch càng sớm, càng tốt trong khoảng thời gian 20 phút. Sau đó đưa đi khám tại các cơ sở y tế, không nên tự điều trị.

Biện pháp phòng ngừa bỏng đối với trẻ em là phải chú ý bố trí bếp nấu ăn hợp lý, đặt bếp ở chỗ cao ngoài tầm tay với đến của trẻ, có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh. Phải sử dụng phích nước sôi an toàn, vỏ phích đựng nước sôi được làm bằng nhựa, có nắp xoáy, để trong hộp gỗ. Đối với trẻ lớn, cần phải hướng dẫn trẻ thao tác nấu ăn an toàn như: Quay cán xoong, nồi, chảo vào phía bên trong; bê xoong, nồi đang nấu ăn bằng tấm lót tay...

Cha mẹ cũng cần phòng ngừa tình trạng bỏng nhiệt khô cho trẻ, bằng cách không để trẻ nhỏ tiếp xúc với lửa, diêm quẹt, bật lửa, nến; các vật dễ cháy, nổ như: Xăng, ga, cồn... Khi dựng xe máy, phải quay ống bô xả của xe máy đang còn nóng vào sát tường…

Theo Thu Nguyên

Báo Gia đình & Xã hội