1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

WHO: Việt Nam cần có kế hoạch quản lý Covid-19 trong dài hạn

Minh Nhật

(Dân trí) - WHO vừa có tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu.

Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu

Tại cuộc họp báo tối 5/5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu

Cách thời điểm hiện tại hơn 1.200 ngày, thông tin về một chùm ca bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc được công bố.

WHO: Việt Nam cần có kế hoạch quản lý Covid-19 trong dài hạn - 1

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: AFP).

Ngày 30/1/2020, theo tư vấn của Ủy ban Khẩn cấp được triệu tập theo Điều lệ Y tế Quốc tế, Tổng giám đốc WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế về sự bùng phát toàn cầu của Covid-19. Đây cũng là mức báo động cao nhất theo luật pháp quốc tế.

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tại thời điểm đó, ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc đã có dưới 100 ca bệnh được báo cáo và không có trường hợp tử vong nào được báo cáo.

Trong 3 năm kể từ thời điểm đó, Covid-19 đã làm đảo lộn thế giới của chúng ta.

"Gần 7 triệu ca tử vong đã được báo cáo với WHO, nhưng chúng tôi biết con số này còn cao hơn nhiều lần - ít nhất là 20 triệu.

Các hệ thống y tế đã bị gián đoạn nghiêm trọng, với hàng triệu người không tiếp cận được các dịch vụ y tế thiết yếu, bao gồm cả tiêm chủng cho trẻ em", Tổng giám đốc WHO chỉ rõ.

Đi cùng với những nỗ lực của các quốc gia, theo WHO, trong hơn một năm nay, đại dịch đang có xu hướng giảm, khả năng miễn dịch của người dân tăng lên nhờ tiêm chủng, tình trạng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong giảm và áp lực đối với các hệ thống y tế cũng giảm bớt.

Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Trong năm qua, Ủy ban Khẩn cấp và WHO đã phân tích dữ liệu một cách cẩn thận và cân nhắc thời điểm thích hợp để hạ thấp mức cảnh báo.

"Ngày 4/5, Ủy ban Khẩn cấp đã họp lần thứ 15 và đề nghị tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tôi đã chấp nhận lời khuyên đó", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

"Do đó, với một hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Theo WHO, tuyên bố này có nghĩa là đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý Covid-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh rằng, đây không phải là một quyết định dễ dàng. Đó là một quyết định đã được cân nhắc cẩn thận trong một thời gian, được lên kế hoạch và đưa ra trên cơ sở phân tích dữ liệu cẩn thận.

Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác với Covid-19

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO Việt Nam nhận định, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế của Covid-19 là một tin luôn được đón chào.

"Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của đất nước đối với virus này. Nhưng đồng thời, điều quan trọng là phải hiểu rằng đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác. Covid-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa.

Công bố của ngày hôm nay thực sự là công bố về sự cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý virus trong dài hạn", TS. Angela Pratt nhấn mạnh.

WHO: Việt Nam cần có kế hoạch quản lý Covid-19 trong dài hạn - 2

Vaccine là một trong những vũ khí giúp Việt Nam tiếp tục kiểm soát dịch (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong ngày 5/5, số mắc mới Covid-19 tiếp tục xu hướng tăng, với 3.399 ca. 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.571.127 ca bệnh, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.841 ca nhiễm).

Trong cuộc phỏng vấn với PV Dân trí mới đây, BS Eric Dziuban - Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam là một hệ thống mạnh và đã làm được những việc đáng khen ngợi trong ứng phó và kiểm soát đại dịch Covid-19. Mọi quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã học được nhiều bài học từ đại dịch này.

"Việc tiếp tục đầu tư vào củng cố các hệ thống y tế, bao gồm các phòng xét nghiệm, công tác đáp ứng khẩn cấp và giám sát, đóng vai trò quan trọng để có thể phát hiện, đáp ứng và ngăn chặn các mối đe dọa một cách nhanh hơn", BS Eric Dziuban nhấn mạnh.