WHO kêu gọi cải thiện chất lượng không khí để bảo vệ sức khỏe
(Dân trí) - Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất trên hành tinh là ở Iran, Mông Cổ, Ấn Độ, Pakistan và Botswana, trong khi Canada và Hoa Kỳ là những nơi có mức độ ô nhiễm không khí thấp nhất.
Ô nhiễm không khí cũng đang là một vấn đề nổi cộm tại Việt Nam
WHO kêu gọi các nước có tỉ lệ ô nhiễm cao theo dõi và quản lý môi trường nhằm giảm tỉ lệ tử vong sớm và bệnh tật.
Số liệu mới này được đưa ra trong báo cáo khảo sát toàn cầu đầu tiên của WHO về ô nhiễm không khí, khảo sát đo nồng độ hạt bụi PM10 ở hơn 1.000 thành phố trên toàn thế giới. Những hạt bụi nhỏ này có đường kính ≤ 10 micromet và có thể xâm nhập vào dòng máu gây bệnh tim, ung thư phổi, hen, nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
Ô nhiễm hạt bụi nhỏ xuất hiện ở nhiều thành phố và phần lớn là do các nhà máy điện và phương tiện giao thông.
WHO ước tính năm 2008 có 1,34 triệu người tử vong sớm do ô nhiễm không khí ở các thành phố trên toàn thế giới. Tăng từ 1,15 triệu người trong năm 2004.
Hướng dẫn của WHO về chất lượng không khí chỉ rõ nồng độ bụi PM10 trung bình hàng năm không quá 20µg/m3. Số liệu gần đây nhất cho thấy phần lớn các thành phố vượt quá mức này. Nếu tất cả các thành phố đáp ứng được hướng dẫn của WHO thì sẽ có thể phòng ngừa được hơn 1 triệu trường hợp tử vong sớm.
Theo số liệu của WHO có hơn 400 thành phố có nồng độ bụi PM10 trung bình hàng năm dưới 20µg/m3. Tuy nhiên, hơn 10% trong số 1.000 thành phố tham gia khảo sát của WHO có nồng độ bụi PM10 trung bình hàng năm là 70 µg/m3.
Giảm nộng độ này xuống mức 20 µg/m3 có thể giúp giảm 15% ca tử vong sớm. WHO kêu gọi nâng cao nhận thức về nguy cơ sức khỏe do ô nhiễm không khí và khẩn trương thực hiện các chính sách hiệu quả cũng như theo dõi chặt chẽ tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố.
Tiến sĩ Maria Neira, giám đốc của WHO về sức khỏe cộng đồng và môi trường nói: “Ô nhiễm không khí là một vấn đề sức khỏe môi trường và cần tăng cường nỗ lực để giảm gánh nặng sức khỏe do ô nhiễm gây ra. Theo dõi và quản lý môi trường có thể giúp giảm đáng kể số người bị bệnh tim, ung thư phổi và bệnh hô hấp”.
Anh Khôi
Theo Medicalnewstoday