Vượt hàng trăm km ra Hà Nội khám bệnh ho có đờm, khó thở
(Dân trí) - Bác Phạm Văn Bưởi (45 tuổi) đã lặn lội hơn trăm km từ Hải Châu (Thanh Hoá), có mặt từ sáng sớm tại BV Bạch Mai để được thăm khám chẩn đoán căn bệnh khó thở đang đeo đẳng bác 6 năm nay.
Nguyện vọng của bác Phạm Văn Bưởi (áo màu bộ đội) là biết chính xác mình bị bệnh gì, điều trị sao cho hiệu quả
6 năm, 5 lần nằm viện vì khó thở
Bác Bưởi cho biết bác bị ho có đờm mỗi sáng đã lâu, rồi chuyển sang khó thở mỗi khi làm việc nặng. Đến khi phải cấp cứu bệnh viện tuyến tỉnh 3 lần, tuyến huyện 2 lần bởi ngay cả khi ngồi không, chẳng làm gì cũng xuất hiện tình trạng môi, móng tay tím tái; có lúc lại không thể nói, đi lại…
Trong các đợt cấp cứu, bác sĩ đều nói đó là bệnh hen và kê cho thuốc cắt cơn hen. Sau đó, cứ hết thuốc, bác Bưởi lại tự mua thuốc để sử dụng mỗi khi lên cơn khó thở. Tuy nhiên, vì tình trạng bệnh không đỡ nên nghe tin bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám miễn phí, bác Bưởi thu xếp, bắt xe lên ngay.
Còn ông H. (56 tuổi) cho biết con gái đưa ông từ Nghệ An ra đây sau khi có người quen đang chăm người thân ở bệnh viện báo có chương trình khám miễn phí. Bệnh nhân này cho biết đã bị ho có đờm thường xuyên nhiều năm nay, uống thuốc long đờm, giảm ho nhiều lần không khỏi. Đến khi có đờm vàng kèm các cơn khó thở thì bác sĩ bảo là ông bị viêm phế quản nặng. Vậy nhưng sau đợt kháng sinh thì ho có giảm, đờm hết vàng nhưng tình trạng khó thở vẫn không giảm, thậm chí còn tăng cả về tần suất và mức độ.
Bác Bưởi, ông H. chỉ là 1 trong số hàng trăm bệnh nhân từ các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh vượt hàng trăm cây số ra đây để được khám, xác định chính xác tình trạng bệnh tưởng đơn giản nhưng vô cùng dai dẳng.
Biểu hiện mờ nhạt, khó phát hiện bệnh
TS Nguyễn Thanh Hồi, khoa Hô Hấp, BV Bạch Mai, một trong 20 bác sĩ tham gia khám miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ngày 10/11, đã khám cho 27 trường hợp trong khoảng hơn 3 tiếng buổi sáng, cho biết: Trong số trường hợp khám tại bàn có tới 18 trường hợp chẩn đoán chính xác là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính/hen phế quản.
Trong số trường hợp phát hiện bệnh, đa số là đi khám lần đầu (chưa được chẩn đoán). Nguyên nhân là do nhiều người có bệnh mà không biết, chủ quan nghĩ rằng ho vài tiếng thì nghĩ là do hút thuốc lá; thấy mệt mệt thì nghĩ là do làm nhiều việc nhà; hay một số trường hợp bác sĩ nhầm với bệnh khác, bác sĩ đầu kết luận là viêm phế quản, viêm phổi, bác sĩ sau cũng theo đó kết luận; một số trường hợp lại không có điều trị cơ bản, chỉ dùng thuốc cắt cơn; chẩn đoán sai giai đoạn do sử dụng máy đo chức năng hô hấp chưa đúng cách…
TS Hồi cho biết con số này không phản ánh tỉ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng bởi mục tiêu của chương trình khám sàng lọc là tiếp nhận những bệnh nhân chưa được chẩn đoán, chưa được điều trị đúng.
Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, PGĐ BV Bạch Mai, Chủ tịch hội Hô hấp Hà Nội, GĐ TT Hô Hấp BV Bạch Mai, sở dĩ nhiều bệnh nhân không biết mình mắc bệnh hoặc chỉ đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn nặng là do biểu hiện ban đầu của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khá mờ nhạt (ho, khạc đờm kéo dài).
Do đó, “với những trường hợp ho, khạc đờm dai dẳng nhiều năm rồi xuất hiện thêm tình trạng khó thở khi gắng sức thì cần đi khám ngay”, PGS. TS Ngô Quý Châu khuyên.
Vào khu vực hội trường, người khám được cán bộ y tế hướng dẫn tận tình
...kiểm tra bằng máy đo chức năng hô hấp
Nhân Hà