Thanh Hóa:
Vụ xả rác y tế tại các phòng khám tư: Không có hợp đồng với bệnh viện
(Dân trí) - Trong khi giám đốc một phòng khám tư cho rằng họ đã hợp đồng với bệnh viện Đa khoa tỉnh để xử lý chất thải, phía bệnh viện khẳng định không có hợp đồng nào từ phòng khám tư.
Như trước đó Dân trí đã thông tin, hiện nay rất nhiều phòng khám tư trên địa bàn TP Thanh Hóa tuồn rác thải y tế chung với rác sinh hoạt ra môi trường mà không mang đi xử lý. Tình trạng đáng báo động này đã diễn ra trong một thời gian dài thế nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết hoặc cố tình lờ đi.
Theo chân chị lao công vào mỗi cuối ngày, chúng tôi phát hiện ra một sự thật kinh ngạc rằng hầu hết các phòng khám tư trên con đường Hải Thượng Lãn Ông thuộc phường Đông Vệ (TP. Thanh Hóa) đều đang diễn ra tình trạng tuồn rác thải y tế lẫn trong rác sinh hoạt. Đặc biệt, các phòng khám 92, 244, 246...
Điều đáng nói là vào ngày 13/8/2013, phòng khám 244 đã bị Sở Y tế Thanh Hóa đình chỉ hoạt động do hoạt động không đúng chức năng. Dù phòng khám này không có chức năng phá thai nhưng nhân viên ở đây đã phá thai cho một cháu bé 13 tuổi bị hiếp dâm với thai nhi 8 tháng tuổi. Thế nhưng, qua theo dõi và tìm hiểu, phòng khám này vẫn lén lút hoạt động và xả thải y tế ra ngoài môi trường. Khi PV đột nhập để xem những túi nilon màu đen trước cửa phòng khám 244 thì đã bị nhân viên của phòng khám này ra ngăn cản không cho quay video và chụp ảnh.
Còn tại Phòng khám 246 (đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ), ông Lê Đình Hoàng, đại diện phòng khám, cho biết: “Phòng khám chúng tôi luôn chấp hành các nội quy về môi trường. Chúng tôi đã hợp đồng với BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để xử lý rác thải y tế. Rác thải tại phòng khám được phân ra hai loại: rác thải sinh hoạt thông thường, không lây nhiễm và loại rác thải ảnh hưởng như bơm tiêm, bông băng, gạc, những vật sắc nhọn, mô bệnh phẩm... Loại rác thải ảnh hưởng này được phòng khám để dồn cứ 5kg thì mang sang BV Đa khoa tỉnh xử lý”.
“Hàng năm thì liên tục có các đoàn của Sở TNMT, đội CSMT CA tỉnh, CA môi trường thành phố, một bộ phận của UBND thành phố đến thanh kiểm tra về vấn đề này”.
Để minh chứng cho việc chấp hành vấn đề rác thải, ông Hoàng cũng đa cung cấp cho PV một bản hợp đồng từ năm 2009 (vô thời hạn) do ông Đỗ Văn Liêm, Phó GĐ BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa ký việc xử lý rác thải.
Thế nhưng khi trao đổi với phía BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đăng Khoa, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp lại khẳng định: “Đã một năm nay hệ thống xử lý chất thải y tế của Bệnh viện ngừng hoạt động và chúng tôi cũng phải mang rác thải của BV đến Cty Tâm Đức (chuyên hỏa táng, phục vụ tang lễ) để đốt. Vì thế từ tháng 4, BV đã có Công văn gửi đến các BV, phòng khám mà trước đó đã hợp đồng thông báo việc ngừng xử lý chất thải”.
Cũng theo ông Khoa thì trên đường Hải Thượng Lãn Ông chỉ có phòng khám Quang Minh hợp đồng với BV những năm trước. Và nếu ông Hoàng bên phòng khám 246 nói hợp đồng với BV và vẫn mang sang đây nhờ xử lý là không đúng. Hơn nữa, nếu hợp đồng của BV thì không bao giờ lại là vô thời hạn. Bởi vì hợp đồng thường là năm một để tiện cho việc thu phí.
Trong khi bản hợp đồng có con dấu đỏ chót và chính vị PGĐ BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa ông Đỗ Văn Liêm ký. Bản hợp đồng vô thời hạn này hiện nay vẫn dùng để che mắt và đối phó với cơ quan chức năng liệu có phải là hợp đồng có giá trị? Và nếu đó là bản hợp đồng do vị PGĐ này ký là thật thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm vấn đề này?
Và việc mỗi năm có rất nhiều cơ quan chức năng của thành phố, tỉnh Thanh Hóa thanh kiểm tra tại các phòng khám nhưng lại không hề hay biết tình trạng đáng báo động này khiến dư luận hồ nghi cơ quan chức năng biết nhưng cố tình lờ đi?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin!
Nguyễn Thùy