1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ “viên thuốc” 14 triệu đồng: Thêm nhiều nạn nhân tố cáo

Hôm qua, ngay sau khi bài “Viên thuốc” 14 triệu đồng đăng tải, nhiều bệnh nhân (BN) đến khám tại Bệnh viện (BV) Bình Dân (TPHCM) đã phản ánh họ cũng bị “ép” uống viên thuốc này…

 

Vụ “viên thuốc” 14 triệu đồng: Thêm nhiều nạn nhân tố cáo - 1

Chị Minh Nguyệt bức xúc phản ánh việc bác sĩ Tuấn cho uống viên nội soi tiền triệu
 

Cùng một “kịch bản”

 

BN Lê Thị Bích (nhân viên bán hàng, nhà ở Q.7, TPHCM) kể vào cuối tháng 6, khi bị đau quặn bụng, chị có đến khám ở BV Bình Dân và được bác sĩ (BS) khám chỉ định đi nội soi. “Khi nội soi xong, BS Nguyễn Ngọc Tuấn (người được đề cập trong bài trước) gọi hai vợ chồng tôi vào phòng bảo “tôi nội soi không thấy gì, do ruột bị quấn chặt nên không thấy, giờ uống viên nang có con chíp vào nó sẽ chạy lòng vòng trong cơ thể để thấy. Hai vợ chồng xin về suy nghĩ lại. Liền đó, một nam nhân viên của khoa Nội soi tiêu hóa (sau này tôi mới biết tên là Hiệp) lưu lại số điện thoại của tôi.

 

Con trai đậu vào lớp 10 trường THPT Lê Hồng Phong (TPHCM) lên TP trọ học, nhưng rồi chi phí cho chuyến đi khám ở BV Bình Dân của chị Quỳnh Ngọc Hạnh tốn quá nhiều nên con chị đành phải học ở quê nhà

 

Đến chiều cùng ngày, anh Hiệp gọi lại nhắc tôi về việc uống viên nang. Sáng hôm sau, mới hơn 5 giờ, anh Hiệp tiếp tục gọi, nói BS bảo tôi vào BV uống viên nang. Nghĩ chắc tình hình nghiêm trọng nên BS mới giục vậy, hai vợ chồng đành chạy đi mượn tiền, quay vào chỗ BS Tuấn. Ở đó, có một người của công ty bán viên nang thu 13,5 triệu đồng, biên lai nhỏ chỉ có tên công ty.

 

Hôm sau, không thấy báo kết quả, tôi gọi cho anh Hiệp thì anh này bảo vào BV gặp BS Tuấn. Khi gặp, BS Tuấn chỉ nói do tôi nóng trong người nên ruột nổi hột chứ không có gì và BS Tuấn ghi toa thuốc cho tôi về, mà không hề yêu cầu quay trở lại BS khám…”, chị Bích nói.

 

Chị Lê Minh Nguyệt (41 tuổi, nhà ở Q.1, TPHCM) được BS Tuấn cho uống viên nang hôm 22/8, với giá 14 triệu đồng, bức xúc: “Sau khi làm xong phần nội soi mà BS khám chỉ định, BS Tuấn không đưa kết quả mà gọi tôi vào phòng nói bệnh tôi nặng lắm, ruột lở loét cần uống viên nang nội soi. Người nhà tôi về lấy tiền để mua uống ngay. BS Tuấn dẫn tôi qua một phòng khác, có người của công ty thu tiền. Hôm sau vào lại BV, BS Tuấn cho toa thuốc về uống, không hề bảo tôi quay lại BS khám gì cả”.

 

Khi về nhà, ngẫm lại thấy những việc BS Tuấn làm có gì đó không bình thường nên chị Nguyệt không dùng toa thuốc BS Tuấn kê, mà quay lại gặp BS khám ban đầu. “BS khám có vẻ bực mình nói: “Ai bảo uống viên nang nội soi, việc này không cần thiết”, chị Nguyệt kể.

 

Trường hợp của chị Quỳnh Ngọc Hạnh (42 tuổi, nhà ở Sa Đéc, Đồng Tháp) còn bi kịch hơn. Gia đình chị dành dụm được gần 20 triệu đồng, định cho con trai đậu vào lớp 10 trường THPT Lê Hồng Phong (TPHCM) lên TP trọ học, nhưng rồi chi phí cho chuyến chị đi khám ở BV Bình Dân tốn quá nhiều nên con đành phải học ở quê nhà. “Sáng nay, con trai tôi cầm báo bảo “Mẹ ơi, trường hợp BN báo đăng y như của mẹ, tôi mới biết mình bị vố đau”, chị Hạnh nói.

 

Theo lời chị Hạnh, ngày 2/7 chị vào BV Bình Dân khám dịch vụ và  BS chỉ định làm nội soi. “Ngày 4/7,  tôi nội soi đại tràng có gây mê hết 1,2 triệu đồng. Nội soi xong, BS Nguyễn Ngọc Tuấn gọi vợ chồng tôi vào phòng nói “đại tràng em bị viêm loét, mà viêm loét thì ảnh hưởng ruột non, vì vậy cần uống viên nội soi”. Nghe vậy, chúng tôi rất lo. Chồng tôi chạy đi mượn tiền mua viên nang 13,5 triệu đồng”, chị Hạnh kể lại.

 

Cũng theo lời chị Hạnh, mặc dù BS khám cho chị có dặn sau khi có kết quả nội soi thì đem lại phòng để BS xem, nhưng BS Tuấn lại bảo “không cần đi đâu hết” và ghi luôn toa thuốc, bảo về uống thuốc theo toa này sẽ hết bệnh. Tổng cộng, chị Hạnh phải chi ra cho chuyến khám bệnh hơn 16 triệu đồng, gồm: 13,5 triệu mua viên nang, 1,2 triệu nội soi có gây mê, 430 ngàn mua thuốc BS Tuấn kê, 80 ngàn khám dịch vụ, 250 ngàn ở khách sạn, 600 ngàn tiền xe đi lại. “Hết trơn số tiền định đưa con lên TP học, nhưng đến giờ tôi vẫn không biết mình có bệnh gì?”, chị Hạnh thắc mắc.

 

Tiền vào túi ai?

 

Hôm qua, trao đổi với phóng viên, những người được BS Tuấn cho dùng viên nang nội soi cho biết sẽ đến phản ánh với Ban Giám đốc BV Bình Dân về việc làm bất thường của BS Nguyễn Ngọc Tuấn.

 

Viên nang nội soi là một dạng kỹ thuật cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của những BN có điều kiện kinh tế, hoặc sử dụng theo chỉ định của BS trong trường hợp thực sự cần thiết. Thế nhưng, theo các BN, khi yêu cầu uống viên nang, BS Tuấn không hề hỏi han người bệnh có khả năng chi trả hay không, chỉ nói tình trạng bệnh xấu đi để người bệnh lo lắng mà uống viên nang. Mặt khác, theo một BS chuyên về chẩn đoán hình ảnh, trước khi cho uống viên nang nội soi, BN phải được BS (người khám, điều trị) xác định không bị nghẹt ruột (nếu có, uống vào gây nghẹt rất nguy hiểm), không bị tình trạng đi cầu có máu… Nhưng các BN cho biết họ không hề được kiểm tra những bệnh lý này trước khi BS Tuấn tự ý cho họ uống viên nang.

 

Theo lời BS Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BV Bình Dân, tất cả việc thu phí từ người bệnh phải qua tài chính BV. Thực tế, khi sốt sắng chỉ định BN uống viên nang, BS Tuấn để nhân viên công ty bán viên nang vào BV thu tiền trực tiếp của người bệnh, với phiếu thu tiền ở phần “người nộp tiền” lúc thì ghi tên người bệnh, lúc đề tên “BV Bình Dân” (?). Vậy số tiền này có qua tài chính của BV hay sẽ rơi vào túi ai. Chưa kể, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Trung tâm chẩn đoán Medic giá viên nang này chỉ 12 triệu đồng, nhưng BS Tuấn và công ty bán viên nang lúc thu 14 triệu đồng, lúc 13,5 triệu đồng…

 

Theo Thanh Tùng

Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm