1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ tử vong sau phẫu thuật gãy xương: Gia đình bức xúc vì không có chuyên môn!

(Dân trí) - Sáng nay 18/3, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng đã trả lời báo chí liên quan đến việc bệnh nhân Trần Thị Là (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) tử vong sau khi phẫu thuật chân do té ngã. Và theo nhận định của Giám đốc bệnh viện thì gia đình bức xúc là do họ không có chuyên môn.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bà Là bị té ngã ở nhà do tai nạn sinh hoạt, vào viện ngày 6/3, được chẩn đoán gãy liên lồi cầu xương đùi phải. Bệnh nhân trước đây hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi vào viện, bệnh nhân được làm các xét nghiệm và xếp lịch mổ là ngày 15/3. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh nhưng do trong quá trình mổ mất máu nên được chuyển qua hồi sức sau mổ và có chỉ định truyền máu. Các quy trình truyền máu được thực hiện nghiêm ngặt. Khi truyền đến bịch thứ 3 thì bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, khó thở và được các bác sĩ cấp cứu kịp thời tại chỗ. Gần 1 tiếng sau, bệnh nhân có huyết áp trở lại, được cho thở máy và hội chẩn viện khẩn cấp.

Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng trả lời báo chí sáng 18/3
Lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng trả lời báo chí sáng 18/3

Qua hội chẩn, hội đồng tập trung vào 2 vấn đề đó là thuyên tắc phổi và có khả năng sốc phản vệ sau truyền máu. Mấy ngày vừa qua tiên lượng bệnh nhân nặng nề và đến 4h sáng nay, bệnh nhân đã tử vong.

Sáng nay Hội đồng khoa học bệnh viện với sự tham gia của bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế và các bác sĩ ở các khoa, phòng của bệnh viện đã tiến hành phân tích trung thực, khách quan. Với những liệu dữ, diễn biến lâm sàng… Hội đồng thống nhất là do thuyên tắc phổi và cũng đề cập đến sốc phản vệ do truyền máu.

Theo bác sĩ Thạnh, bệnh nhân được đón tiếp từ phòng khám, đến cấp cứu, theo dõi, chỉ định mổ theo đúng quy trình. Sau khi bệnh diễn biến xấu cũng có ngay bác sĩ xử lý nhanh. Ban giám đốc bệnh viện luôn bám sát bệnh nhưng diễn biến bệnh này càng xấu.

“Diễn biến này là một sự cố y khoa ngoài mong muốn”, bác sĩ Thạnh nói.

Cũng theo bác sĩ Thạnh, người nhà bức xúc là đúng vì người ta không có chuyên môn. Bệnh viện cũng đã dùng những từ bình dân để giải thích cho người nhà hiểu, động viên, chia buồn với gia đình.

Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cũng cho biết thêm, đối với những người bị gãy xương dài có tỷ lệ bị thuyên tắc phổi từ 1 - 3% và tử lệ tử vong là 30%.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng trả lời báo chí
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng trả lời báo chí

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người nhà bệnh nhân cho rằng, có khả năng bệnh viện truyền nhầm máu, bác sĩ Thạnh cho rằng không có chuyện đó xảy ra. Bởi hiện nay, để đảm bảo an toàn trong truyền máu phải qua 7 công đoạn.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng giải thích việc bệnh nhân nhập viện 9 ngày sau mới được mổ. Theo bác sĩ Nhân, khi nhập viện, tùy vào từng trường hợp, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu hay mổ chương trình. Đối với trường hợp bệnh nhân Trần Thị Là được chỉ định là mổ chương trình. Theo quy định của bệnh viện, ngày thứ 6 hàng tuần, bệnh viện sẽ duyệt và xếp lịch mổ cho bệnh nhân. Bệnh nhân vào viện ngày 6/3, tức là ngày chủ nhật, qua thứ 6, bệnh viện duyệt thì thứ 2 tuần sau bệnh nhân đã được mổ ngay. Đối với trường hợp này như vậy là được mổ sớm rồi.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, sau khi xảy ra sự việc, đã chỉ đạo Bệnh viện Đà Nẵng họp hội đồng ngay trong sáng nay và có sự tham gia của lãnh đạo Sở Y tế để nắm cụ thể trường hợp của bệnh nhân Là.

Qua khai thác về tình hình bệnh, cũng như các yếu tố về cận lâm sàng, Sở Y tế thống nhất với kết luận cuối cùng của bệnh viện là bệnh nhân bị thuyên tắc phổi và chẩn đoán với một trường hợp có thể sốc phản vệ do truyền máu trên nền bệnh nhân bị gãy liên lồi cầu xương đùi phải.

“Chúng tôi cũng khẳng định, bệnh viện tiến hành ca này theo đúng quy trình chuyên môn. Tuy nhiên, đứng ở góc độ cá nhân là người nhà của bệnh nhân, chúng ta cũng bức xúc. Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ các quy trình nếu có gì chưa đúng, anh em y tế phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đến giờ phút này, qua kiểm tra đánh giá của hội đồng khoa học bệnh viện có sự chứng kiến của Sở Y tế về mặt chuyên môn, tất cả những nhận định của bệnh viện là chính xác và chúng tôi thống nhất với kết luận của hội đồng khoa học bệnh viện”, bác sĩ Yến nói.

Sáng nay 18/3, người nhà của bệnh nhân Là vẫn chưa đồng ý đưa thi thể bệnh nhân về và mong muốn bệnh viện có câu trả lời thỏa đáng. Người nhà cũng đã làm đơn cầu cứu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mong sự việc được làm sáng tỏ.

Xác định nguyên nhân tử vong bệnh nhân gãy chân chờ 9 ngày mới mổ

Bộ Y tế ngày 18/3 đã có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế Đà Nẵng khẩn trương lập hội đồng chuyên môn điều tra ca tử vong do gãy chân chờ 9 ngày mới mổ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện đa khoa thành phố Đà Nẵng thành lập Hội đồng chuyên môn xác minh nguyên nhân dẫn tới tử vong.

Bộ Y tế cũng yêu cầu cần xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tham gia trong quá trình chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm). Đồng thời cần tổ chức thăm hỏi, chia sẻ với gia đình người bệnh.

Tú Anh

Khánh Hồng