Tây Ninh:

Vụ thu giữ gần 100 tấn măng: Chủ cơ sở gửi đơn kêu cứu

(Dân trí) - Sau khi bị niêm phong gần trăm tấn măng muối của 2 cơ sở do có chứa axit oxalic với hàm lượng rất cao nên niêm phong, chủ cơ sở kinh doanh mang khẳng định không có chuyện đổ hóa chất độc hại vào mà đó là hàm lượng tự nhiên trong măng.

Thu giữ măng vì kết quả xét nghiệm hàm lượng axít độc quá cao!

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 24/9, đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Tây Ninh đã tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến măng chua của ông N.V.Lâm (huyện Châu Thành), phát hiện có chứa gần 100 tấn măng muối nhưng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc được cấp phép kinh doanh, sản xuất hay chế biến măng muối. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và thu mẫu măng gửi đi giám định tại Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TPHCM) và Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng Tây Ninh.

Kết quả giám định cho thấy mẫu măng le muối thành phẩm có chứa axit oxalic với hàm lượng 680mg/kg, mẫu măng tre muối thành phẩm có chứa axit oxalic với hàm lượng 61,4mg/kg axit oxalic, mẫu nước ngâm măng có chứa axit oxalic với hàm lượng 45,5mg/kg. Theo Công an Tây Ninh, axit oxalic là chất cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm vì nó có thể gây chết người khi bị nhiễm độc nặng.

Gần trăm tấn măng của ông Lâm được xác định là có chứa axit oxalic
Gần trăm tấn măng của ông Lâm được xác định là có chứa axit oxalic

Để đảm bảo chính xác, đoàn tiếp tục thu mẫu từng lô hàng đem đi giám định lần 2. Ngày 28/10, Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 trả lời kết quả giám định cho thấy: 6/6 mẫu măng và nước ngâm măng (100%) thu tại cơ sở của ông Lâm đều có chứa axit oxalic với hàm lượng từ 59,9mg/kg - 710mg/kg; tức là trong mẫu cao nhất thì mỗi kg măng có chứa gần 1g axit độc.

Trước sự nguy hại nghiêm trọng của lượng hàng này, Cảnh sát môi trường Tây Ninh đã truy nguồn gốc số măng trên của ông Lâm và được biết ông mua của bà V.T.Liễu (ngụ huyện Tân Châu). Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường đã tiến hành kiểm tra cơ sở măng luộc của bà Liễu, thu mẫu gửi đi giám định. Kết quả giám định cho thấy, ngoại trừ mẫu măng tre luộc, tất cả các mẫu nước luộc măng, măng le, măng lồ ồ luộc đều có chứa axit oxlic hàm lượng từ 96,2mg/kg đến 627mg/kg.

Từ những kết quả kiểm nghiệm trên, đoàn kiểm tra đã niêm phong toàn bộ số hàng trên, không cho bán ra thị trường.

Măng tự nhiên độc hơn măng chế biến
 
Tuy đã kiểm nghiệm nhiều lần nhưng ông Lâm, chủ cơ sở măng không đồng ý với kết luận của đoàn kiểm tra vì ông khẳng định mình không đổ hóa chất độc hại vào măng để làm gì mà vốn trong măng đã chứa sẵn loại axit này. Do đó, ông đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều đơn vị chức năng trong tỉnh.

Trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng xử lý, ông Lâm đã lấy nhiều mẫu măng trồng, măng tự nhiên trong rừng đem đến Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM để kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy: hàm lượng axit oxalic có trong măng tầm vông là 560mg/kg, trong măng tre tàu tươi là 1.479mg/kg, trong măng tre mạnh tông tươi là 1.517mg/kg… Hàm lượng này đều bằng hoặc lớn hơn hàm lượng có trong măng muối của ông Lâm. Điều này cho thấy lý luận của ông Lâm là có cơ sở.

Trước thực tế này, các đơn vị liên quan của Tây Ninh đã họp thống nhất và tiến hành thu một số mẫu măng tươi trong rừng tự nhiên ở xã Tân Thành gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong các mẫu măng tre, măng le này cũng có axit axolic với hàm lượng từ 500 - 1.000mg/kg, gần giống với kết quả các mẫu ông Lâm đã tự đem đi xét nghiệm. Như vậy, lý luận trong măng có sẵn độc chất axit axolic chứ không phải do ông Lâm bỏ vào là có cơ sở và ông yêu cầu cơ quan chức năng hủy niêm phỏng cho ông mang hàng đi bán, giảm bớt thiệt hại cho gia đình.

Cơ quan chức năng đã đồng ý gỡ niêm phong nhưng xử lý ra sao thì còn lúng túng, chưa dám cho ông Lâm mang hàng đi bán vì quả thực trong măng muối của cơ sở ông Lâm có axit axolic là 1 hóa chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Theo Văn phòng UBND tỉnh Tây Ninh, hiện các đơn vị liên quan đã có văn bản hỏi ý kiến Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản… để có quyết định cuối cùng là cho số măng này lưu thông trên thị trường hay không.

Tùng Nguyên