1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phát hiện 70 tấn măng tươi ngâm hóa chất

Thông tin cơ quan chức năng phát hiện 70 tấn măng tươi được tẩy trắng bằng axit oxalic, một hóa chất công nghiệp dùng để nhả sét cho sắt, tẩy trắng gỗ ở Tây Ninh đã khiến cho nhiều bà nội trợ hoang mang, lo lắng khi măng vốn là món ăn khoái khẩu của nhiều gia đình.

Tràn lan măng ngâm hóa chất

 

Các hàng rau củ tại các chợ hầu như hàng nào cũng có một chậu măng ngâm nước rất trắng, đẹp, bất kể mùa nào trong năm. Khi được hỏi, sao không phải chính vụ mà vẫn có măng ngon, các chủ hàng cho biết: măng đã luộc chín thì để cả tháng cũng không hỏng?!

 

Măng ngâm hóa chất bán quanh năm tại các chợ (Ảnh: NT)

Măng ngâm hóa chất bán quanh năm tại các chợ (Ảnh: NT)

 

Trong khi đó, theo những người chuyên thu mua măng từ miền núi chuyển về miền xuôi thì măng là thực phẩm dễ hỏng nếu để tươi, chỉ cần thu mua về mà không xử lý ngay thì rất dễ bị thối ruỗng. Thông thường, măng tươi luộc kỹ và được bảo quản để không bị chua hỏng thì phải để tủ lạnh, chứ măng tươi đã luộc mà chỉ để ngâm nước thông thường thì ba ngày là chua không thể ăn nổi. Việc bảo quản măng cũng có nhiều cách nhưng với khối lượng nhiều hàng tấn thì bắt buộc phải sử dụng hóa chất để giữ măng được lâu hơn.

Nhiều vụ việc lạm dụng hóa chất để ngâm măng chống chua mốc trong thời gian qua cũng đã được cơ quan chức năng phát hiện. Đó là phát hiện hai kho lớn của cơ sở chế biến măng tươi ở khu phố 7, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa do bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh làm chủ, đang lưu trữ hơn 30 tấn măng tươi ngâm, tẩm các loại hóa chất bảo quản để tăng độ giòn, nhiều bao đã bị ẩm mốc. Và mới đây là cơ sở của ông Nguyễn Văn Lâm tại ấp Suối Muồng, xã Thái Bình, huyện Châu Thành (Tây Ninh) cũng bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện 70 tấn măng tươi được tẩy trắng bằng axit oxalic, một hóa chất công nghiệp dùng để nhả sét cho sắt, tẩy trắng gỗ.

 

6/6 mẫu măng có chứa hóa chất

 

Tại thời điểm kiểm tra, ông Lâm không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc được cấp phép kinh doanh, sản xuất hay chế biến măng muối. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản và thu mẫu măng gửi đi giám định tại Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TPHCM) và Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng Tây Ninh.

 

Kết quả giám định cho thấy mẫu măng tre muối thành phẩm có chứa 680mg/1kg axit oxalic, mẫu măng tre muối thành phẩm có chứa 61,4mg/1kg axit oxalic, mẫu nước ngâm măng có chứa 45,5mg/1kg axit oxalic. Kiểm định mẫu nước thải cho kết quả chất COD vượt 11 lần, BOD vượt 18 lần, Coliforrm vượt trên 48 lần mức cho phép.

 

Măng ngâm hóa chất bị thu giữ tại Châu Thành - Tây Ninh. Ảnh: A.N

Măng ngâm hóa chất bị thu giữ tại Châu Thành - Tây Ninh. Ảnh: A.N

 

Để đảm bảo chính xác, đoàn tiếp tục thu mẫu từng lô hàng đưa đi giám định lần 2. Kết quả giám định cho thấy: 6/6 mẫu măng và nước ngâm măng (100%) thu tại cơ sở của ông Lâm đều có chứa axit oxalic với hàm lượng từ 59,9mg/kg đến 710mg/kg; tức là trong mẫu cao nhất thì mỗi kg măng có chứa gần 1g axit độc.

 

Nguy hại cho sức khỏe

 

Axit oxalic là một loại axit hữu cơ tương đối mạnh, gấp 10 ngàn lần dấm ăn, thường được dùng trong việc tẩy rửa hoặc chống gỉ sét. Dung dịch axit oxalic còn được dùng để đánh bóng gỗ, dùng làm chất cẩn màu trong công nghệ nhuộm. Axit oxalic là chất cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm vì nó có thể gây tử vong khi bị nhiễm độc nặng.

 

Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa axit oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận, gây sỏi thận, có nguy cơ gây ung thư rất cao. Nếu dùng ở lượng lớn, axit oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất còn có thể gây ngộ độc cấp, người lớn thể trọng 60kg nếu dùng khoảng 22g có thể tử vong.

 

Theo Nguyệt Minh

Sức khỏe & Đời sống