1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vú nam to, từ sinh lý đến bệnh lý

(Dân trí) - Ngày 22/1, khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đã phẫu thuật cắt bỏ bên vú phát triển “như vú phụ nữ” cho một bệnh nhân nam 30 tuổi bị vú to nam giới.

Vú to nam giới là bệnh gì? Có phải là bệnh ung bướu không? Vì sao phải cắt bỏ tuyến vú?

Vú nam to, từ sinh lý đến bệnh lý - 1

Tổng quan về vú to nam

Vú to nam, gynecomastia, là tình trạng tuyến vú ở nam giới có kích thước mô vú lớn hơn bình thường, khoảng 5 cm. Cần phân biệt với các trường hợp “vú to nam giả” (pseudogynecomatia) hay “vú to mỡ” (lipomastia), là tình trạng mỡ tụ nhiều vùng vú ở những người đàn ông béo phì.

Trên lâm sàng, vú to nam được chia bốn mức độ: Độ 1: vú to ít, không có phần da thừa; Độ 2: vú to vừa, không có da thừa; Độ 3: vú khá lớn, có da thừa; và Độ 4: vú rất lớn, da thừa nhiều.

Vú to nam không là bệnh lý của vú, mà chính là biểu hiện lâm sàng tại tuyến vú của tình trạng rối loạn cân bằng nội tiết sinh dục, trong đó nội tiết nữ nổi trội hơn nội tiết nam. Hóc-môn sinh dục chia ra hai nhóm: các hóc-môn nam, androgens, đại diện là testosterone, và các hóc-môn nữ, estrogens, đại diện là estradiol. Tất cả các hóc môn sinh dục đều được sinh tổng hợp từ tiền chất là cholesterol qua các bước trung gian chính là pregnenolone - dehydroepiandrosterone - testosterone - estradiol. Hai nhóm hóc-môn sinh dục nam và nữ đều hiện diện ở cả hai giới, nhưng với tỷ lệ nồng độ khác nhau: ở nam testosterone ưu thế và ngược lại ở nữ estrogen lại nhiều hơn. Điểm mấu chốt sinh lý bệnh của vú to nam giới chính là sự mất quân bằng giữa nồng độ hóc-môn sinh dục nam và hóc-môn sinh dục nữ: tỷ lệ estrogen/androgen cao hơn mức bình thường.

Nguyên nhân vú to nam giới

* Ba tình huống vú to nam “sinh lý”

(1) Ở trẻ sơ sinh đôi lúc có tình trạng vú nam lớn “sinh lý”do ảnh hưởng của hóc-môn nữ từ mẹ.

(2) Trong giai đoạn dậy thì, trên 70% trẻ vị thành niên có giao động nhất thời các hóc-môn sinh dục trong đó các estrogen thường cao tạm thời gây ra vú nam lớn. Nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc cho thấy tần suất vú nam lớn ở thiếu niên phát triển bình thường thay đổi rất rộng từ 5 % đến 60 %, và các vú nam lớn sinh lý này sẽ tự ổn định trong vòng 6 tháng đến 2 năm.

(3) Ở đàn ông tuổi từ 50-70, có khoảng một phần tư bị vú lớn nam do tích mỡ lẫn rối loạn tỷ lệ hóc-môn sinh dục.

* Các trường hợp vú to nam bệnh lý

(1) Béo phì, xơ gan làm thay đổi chuyển hoá hóc môn sinh dục, giảm thoái biến các nội tiết nữ estrogens.

(2) Những bệnh lý của tinh hoàn như Hội chứng Klinefelter, ung thư tinh hoàn, chấn thương, viêm nhiễm tinh hoàn…đưa đến hậu quả là sự tổng hơp hóc-môn nam testosterone bị suy giảm cuối cùng làm mất cân bằng là hóc-môn sinh dục nữ nhiều hơn hóc-môn sinh dục nam.

(3) Các bệnh lý nội tiết chuyển hóa như cường giáp, cường prolactin, suy thận mạn….

(4) Nhiễm độc các phtalate như DEP, DEHP…trong đồ ăn, thức uống, đồ chơi..Đây là những estrogens ngoại lai (xeno-estrogens) có tác dụng như hóc-môn nữ.

(5) Tác dụng phụ của một số thuốc như lợi tiểu spirolactone, ức chế calci, thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp, một số thuốc kháng sinh (isoniazide, metronidazole, ketoconazole..).

(6) Thiểu dưỡng và đói ăn. Khi thiếu dinh dưỡng, nồng độ testosterone máu sẽ giảm xuống trong khi mức estrogen vẫn không đổi, gây ra sự mất cân bằng. Đặc biệt khi được nuôi ăn trở lại, bệnh suy dưỡng sẽ bị hội chứng tái dưỡng (refeeding syndrome) thường gây ra vú to.

Xác định vú to nam

Trước một người nam có vú lớn hơn kích thước bình thường, thầy thuốc cần lưu ý: (1) Kiểm tra toàn diện vú về kích thước, mật độ chắc, dịch tiết, hạch lympho; (2) Phân biệt vú to nam thật với giả; (3) Kiểm tra dương vật, tinh hoàn, hệ dục tính kỳ hai như lông, giọng nói..; (4) Kiểm tra dấu hiệu các bệnh lý gan, thận, nội tiết…; (5) Hỏi kỹ những loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đã dùng.

Bốn xét nghiệm cần thiết để xác định bệnh lý vú to nam: (1) Nồng độ các hóc môn liên quan: Estradiol, Testosterone, LH, FSH, Prolactin, TSH..(2) Chức năng gan, thận, bilan mỡ máu (3) Siêu âm tuyến vú và (4) Chụp nhũ ảnh (mammography).

Điều trị vú to nam

Vú to nam không là bệnh lý của vú, mà chỉ là biểu hiện lâm sàng tại tuyến vú của nhiều bệnh nội tiết chuyển hóa toàn thân khác. Tuy rất ít biến chứng thực thể, nhưng người nam mang hình dạng “vú như nữ” sẽ gây phản cảm và những vấn đề tâm lý, thần kinh quan trọng ảnh hưởng chất lượng sống.

Nói chung, các vú to nam “sinh lý” sẽ tự lành theo thời gian, những trường hợp vú to nam khác phải được điều trị theo nguyên nhân gốc gây ra bệnh.

Về thuốc nội khoa, đến nay, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng vẫn chưa thống nhất cho phép một loại thuốc “chuyên” trị tình trạng vú to nam nào!!! Và việc điều trị nội khoa có chỉ có tác dụng trong giai đoạn sớm, khi nhu mô vú chưa thành sẹo. Có ba nhóm thuốc nội khoa có thể dùng hiện nay: (1) một là hóc môn nam testosterone để bù lại lượng thiếu hụt, (2) hai là thuốc điều hoà thụ thể estrogen như tamoxifen (Nolvadex) và raloxifene (Evista) và (3) ba là thuốc ức chế enzyme aromatase, enzyme chính để sinh tổng hợp estrogen, là anastrozole (Arimidex).

Với những trường vú to nam quá lớn, hiện nay trên thế giới đều phải chọn cách phẫu thuật cắt bỏ mô vú thừa.

Vú nam to, từ sinh lý đến bệnh lý - 2

Đôi điều bàn luận

Tuy không là bệnh nặng, và rất ít biến chứng thực thể, nhưng người nam với hình dạng “vú như nữ giới” gây ra những vấn đề tâm lý, thần kinh quan trọng, do đó tình trạng vú nam lớn cũng cần được quan tâm giải quyết.

Những trường hợp vú lớn nam “sinh lý”, hay do tác dụng phụ của thuốc sẽ tự lành theo thời gian hay sau khi ngừng dùng các thuốc liên hệ, những trường hợp vú lớn nam khác đều được điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.

Với ca vú to nam mới được phẫu thuật cắt giảm tuyến vú ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội, theo BS Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình- Thẩm mỹ nhận định: Đây là trường hợp bệnh nhân nam 30 tuổi, phát hiện ngực phải to dần lên nhiều năm. Khi đến khám ngực phải đã lớn đến mức độ 3, dù các xét nghiệm nội tiết và tế bào học trong giới hạn bình thường, nhưng yêu cầu được phẫu thuật để giải quyết vì hình dáng phản cảm và những ảnh hưởng về sinh hoạt và tâm lý, thần kinh.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam