Vụ máy bay rơi: 3 chiến sĩ đang rất nguy kịch

(Dân trí) - Cả 3 chiến sĩ đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia đều đang trong tình trạng nặng. Các bác sĩ đang nỗ lực cao nhất để chăm sóc, điều trị cho cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ điều kiện tốt để cứu chữa bệnh nhân.

Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi với các y bác sĩ về tình trạng
Bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi với các y bác sĩ về tình trạng của các bệnh nhân.
Tối 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) trong vụ máy bay Mi 171 rơi tại Thạch Thất (Hà Nội) đang điều trị tại BV Bỏng Quốc gia. Trong số 5 chiến sĩ được chuyển xuống viện Bỏng, hai chiến sĩ đã tử vong do đa chấn thương, bỏng lửa đến 80% (trong đó bỏng sâu nhiều vùng nguy hiểm như mặt, thân, chi, bỏng hô hấp). Như vậy, tính đến thời điểm này có 18 chiến sĩ đã tử vong.
Mọi nguồn lực, nhân lực đều được huy động tối đa để cứu chữa

Mọi nguồn lực, nhân lực đều được huy động tối đa để cứu chữa
cho các chiến sĩ.

GS.TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết, 3 chiến sĩ còn lại đang được chăm sóc, điều trị đặc biệt tại Viện Bỏng Quốc gia gồm: Trung úy Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 1981 (quê ở Đông Hưng, Thái Bình), chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 52% ở mặt, chân, chi, bỏng hô hấp; gãy 1/3 dưới xương cẳng chân, vỡ xương sọ; Trung úy Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1981 (quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang) đa chấn thương, bỏng lửa 74%, trong đó bỏng sâu nhiều vùng nguy hiểm đầu mặt, bỏng hô hấp cùng với đa chấn thương; chiến sĩ Đinh Văn Dương sinh năm 1983 (quê ở Kim Bảng, Hà Nam) chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 53%, bỏng hô hấp.

Ngay khi cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân hôm 7/7, Bệnh viện đã huy động hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế, huy động mọi nguồn lực, nhân lực, máy móc, thuốc men và các bác sỹ giỏi nhất để tập trung cứu chữa cho các chiến sĩ. Bà Tiến đề nghị Viện Bỏng quốc gia tổ chức hội chẩn với các giáo sư đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103 để tìm giải pháp điều trị tốt nhất để cứu chữa cho các chiến sĩ.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ hỗ trợ 3 máy khử trùng để giữ vô trùng tuyệt đối trong phòng bệnh. Bộ Y tế sẽ huy động tất cả các giáo sư đầu ngành, sử dụng mọi kỹ thuật y tế tốt nhất, kể cả phương pháp EMO (chạy tim phổi nhân tạo) để cố gắng cứu chữa cho các chiến sĩ và hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị này, dù tốn kém đến mấy nhưng có cơ hội cứu chữa cũng sẽ quyết tâm làm. GS Bình cho biết, hiện các bệnh nhân vẫn chưa qua giai đoạn sốc, tiên lượng rất khó khăn vì chấn thương bỏng nặng, đa chấn thương. Chưa kể những tổn thương thứ phát rất khó lường, gây hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng… sẽ rất nguy kịch. Theo chỉ đạo của Bộ quốc phòng, Học viện quân y cũng đã đón toàn bộ thân nhân của gia đình các chiến sĩ đang điều trị để chăm sóc chu đáo. Hiện gia đình các chiến sĩ cũng hết sức khó khăn, vợ trẻ, con thơ mới 2-3 tuổi. Trong số 18 người bị nạn đã tử vong vẫn còn một số trường hợp chưa nhận diện được vì tổn thương quá nặng nề. Phải đến hết ngày mai mới có kết quả giám định ADN nhận diện chiến sĩ này.

Bà Tiến thăm hỏi thân nhân các chiến sĩ đang điều trị tại viện Bỏng Quốc gia.

Bà Tiến thăm hỏi thân nhân các chiến sĩ đang điều trị tại viện Bỏng Quốc gia.

Ông Lê Hùng Mạnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, các chiến sĩ bị nạn trong đợt này tuổi đời đều còn rất trẻ, trung bình từ 30 - 35 tuổi. Trong đó, nhiều đồng chí có con nhỏ, 2 đồng chí có vợ đang mang bầu. Đặc biệt vợ chiến sỹ Đinh Văn Dương dự kiến chỉ vài ngày nữa là sinh nở, nhưng khi nghe tin chồng gặp nạn đã quá sốc, có dấu hiệu sinh sớm đang phải theo dõi tại BV 108. Theo ông Lê Hùng Mạnh, việc xem xét tăng quân hàm cho các chiến sĩ cũng đang được tính đến vì các chiến sĩ hi sinh, gặp nạn trong quá trình làm nhiệm vụ. Trước đó một ngày, buổi tập huấn đã thành công tốt đẹp và 10 đồng chí của Tiểu đoàn đặc công 18 đều xung phong tham gia đợt đầu trong buổi tập huấn của ngày hôm sau và đã không may gặp nạn trên. Các phương án sau lễ truy điệu tập thể diễn ra vào 11/7 tới cũng được đặt ra, theo đó có thể an táng tập thể tại nghĩa tảng Từ Liêm, chở về quê mai táng hoặc hỏa táng. Đến nay đã có 2 gia đình chiến sĩ đề nghị được hỏa táng cho con.

Bài và ảnh: Hồng Hải