1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cần Thơ:

Vụ cắt thận móng ngựa: Bác sĩ phải bồi thường suốt đời

(Dân trí) - Chiều 29/6, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tổ chức xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ giữa bệnh nhân Hứa Cẩm Tú và Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ sau gần 4 năm bệnh nhân khởi kiện.

Anh Nguyễn Thiện Trí chồng của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú tại Tòa
Anh Nguyễn Thiện Trí chồng của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú tại Tòa

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 6/12/2011, chị Hứa Cẩm Tú (sinh năm 1975, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) được bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ có chỉ định mổ nội soi thận trái ứ nước. Trong quá trình mổ xảy ra tai biến nên chuyển sang mổ hở và chị Tú bị cắt hết thận (do thận móng ngựa) dính vào nhau.

Sau đó, chị Tú được chuyển ra BV Trung ương Huế để tiếp tục điều trị và phẫu thuật ghép thận. Thời gian này, chị Tú được BV ĐKTP Cần Thơ hỗ trợ 6 triệu đồng/tháng. Sau đó, mức hỗ trợ giảm xuống còn 3 triệu đồng/tháng và đến tháng 5/2013, BV thông báo ngưng trợ cấp tiền cho chị Tú.

Khi bệnh viện ngưng hỗ trợ, chị Tú đã làm đơn khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại một lần là hơn 707 triệu đồng và bồi thường thiệt hại hàng tháng số tiền hơn 7,6 triệu đồng. Tuy nhiên, BVĐKTP Cần Thơ cho rằng, trường hợp chị Tú không phải sai sót chuyên môn mà là ca tai biến y khoa bất khả kháng.

Sau 4 lần tiến hành hòa giải không thành, vụ việc chính thức được Tòa án thụ lý và sau nhiều lần bị hoãn phiên sơ thẩm đã chính thức diễn ra vào chiều nay 29/6).

Bên bị đơn: Đòi bồi thường là không có căn cứ pháp lý về y học

Tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Trường Thành, người đại diện cho phía bị đơn (BVĐKTP Cần Thơ), cho rằng những đề nghị của nguyên đơn là không có căn cứ pháp lý về mặt y học. Luật sư Thành dẫn chứng, nguyên đơn cho rằng sau khi bà Tú ghép thận sức khoẻ giảm 81% để đòi yêu cầu bồi thường các khoản nói trên là không phù hợp bởi theo văn bản kết luận của Pháp y quốc gia là so với tình trạng sức khoẻ của một người bình thường, không phải sức khoẻ của một người bệnh như chị Tú.

Luật sư Nguyễn Trường Thành - Người đại diện cho bị đơn (BVĐKTP Cần Thơ)
Luật sư Nguyễn Trường Thành - Người đại diện cho bị đơn (BVĐKTP Cần Thơ)

Đặc biệt, luật sư Thành cũng cho rằng, trong bản cam kết về mổ của bệnh nhân có cam kết rất rõ là loại trừ trách nhiệm cho bác sĩ trong tai biến y khoa. Chính vì vậy, về mặt y học không thể buộc Bệnh viện bồi thường trong trường hợp này, do đây là tai biến y khoa.

Luật sư Thành cũng cho rằng, những yêu cầu bồi thường của phía nguyên đơn là không có căn cứ pháp lý bởi, trong vụ án này, chồng bà Tú không khởi kiện nên những khoản của ông ấy phải loại ra. Toà án thụ lý, xét xử theo đơn khởi kiện của bà Tú, chồng bà ấy là người đại diện theo uỷ quyền nên không có quyền gì để đòi các khoản liên quan đến ông ấy. Luật hôn nhân quy định rất rõ vợ chồng phải có nghĩa vụ chăm sóc cho nhau. "Anh chăm vợ anh, rồi lại đi đòi tiền bệnh viện, tôi thấy cái này vô lý và trái với luật hôn nhân gia đình”, luật sư Thành nói.

Về khoản tiền đòi bồi thường hàng tháng là hơn 7,6 triệu đồng, luật sư Thành cũng khẳng định là yêu cầu vô lý. “Hiện tại BVĐKTP Cần Thơ đã, đang và còn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân Tú miễn phí. Mỗi lần bà Tú đến thì BV vẫn chăm sóc rất chu đáo. Chúng ta phải hiểu bản chất vấn đề, đây là một vụ tai biến y khoa và Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bộ Y tế, BV TƯ Huế đã xử lý một cách tuyệt vời. Nếu tính hết các chi đã bồi thường thì đã hơn 1,3 tỷ đồng,”, luật sư Thành nói.

Luật sư Lê Quang Vũ, người bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú
Luật sư Lê Quang Vũ, người bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú

Bên nguyên đơn: Phải bồi thường vì sai sót chuyên môn

Luật sư Lê Quang Vũ, người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn Hứa Cẩm Tú cho rằng, biên bản họp Hội đồng chuyên môn ngày 15/12/2011 không có nội dung ghi bất khả kháng mà chỉ kết luận bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật viên có lỗi về nhận định.

“Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ phải bồi thường thiệt hại cho chị Tú do sai sót chuyên môn của bác sĩ Trần Văn Nguyên gây ra”, luật sư Vũ nói.

Đại diện VKS tại tòa cho rằng, bà Tú là bệnh nhân đến BV khám bệnh và lựa chọn hình thức điều trị dịch vụ có trả tiền, phương pháp điều trị mổ nội soi do bác sĩ của BV tiến hành. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bác sĩ đã không thấy được hình ảnh thận móng ngựa của bà Tú nên từ phương pháp mổ nội soi như lúc đầu đã chuyển sang mổ hở, không có sự hội chẩn dẫn đến cắt hết thận của bà Tú là do lỗi của bác sĩ trong nhận định bệnh.

Đại diện VKS cũng cho rằng, mặc dù đây là lỗi vô ý, bác sĩ và ê kíp phẫu thuật của BV đều không mong muốn xảy ra nhưng thực tế hậu quả đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà Tú nên việc bà Tú yêu cầu BV phải bồi thường thiệt hại là có cơ sở chấp nhận.

HĐXX tuyên buộc BVĐKTP Cần Thơ phải bồi thường cho bà Tú 1 lần 302 triệu đồng, ngoài ra mỗi tháng phải bồi thường 5,8 triệu đồng.
HĐXX tuyên buộc BVĐKTP Cần Thơ phải bồi thường cho bà Tú 1 lần 302 triệu đồng, ngoài ra mỗi tháng phải bồi thường 5,8 triệu đồng.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận các khoản yêu cầu của nguyên đơn như thu nhập thực tế của vợ chồng bà Tú bị mất từ thời điểm khởi kiện đến nay; bồi thường tổn thất tinh thần bằng 20 tháng lương tối thiểu, chi phí cho người thường xuyên chăm sóc bệnh cho bà Tú, chi phí thuê xe ôm đi khám bệnh hàng tháng của bà Tú…

Sau nhiều giờ xét xử và nghị án, HĐXX tuyên buộc BVĐKTP Cần Thơ phải bồi thường cho bà Hứa Cẩm Tú một lần là hơn 302 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng phải bồi thường 5,8 triệu đồng cho tới cuối đời.

Kết thúc phiên tòa, chồng bà Tú cho biết chấp nhận bản án này, còn đại diện BVĐKTP Cần Thơ nói, phía bệnh viện sẽ có ý kiến gửi các cơ quan có liên quan đề nghị xem xét lại bản án.

Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm