Vụ cả gia đình ngộ độc huyết trăn: “Do ăn phải con nưa”

(Dân trí) - Sau hơn một tuần điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới nhưng bệnh tình không thuyên giảm, 6 nạn nhân trong vụ uống huyết trăn pha rượu được chuyển đến Chợ Rẫy. “Bác sĩ xác định gia đình tôi bị trúng độc do ăn phải thịt con nưa”.

Thông tin trên được anh Lê Văn T. (40 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) là một trong 6 nạn nhân vụ uống huyết trăn pha rượu được bệnh viện địa phương chuyển lên TPHCM.
 
Như Dân trí đã thông tin, đúng 10 ngày sau khi ăn lòng xào và uống huyết trăn pha rượu, cả 11 người trong gia đình gồm 3 thế hệ phải nhập viện với các biểu hiện sốt cao, đau nhức toàn thân, sau khi khám sàng lọc, 6 nạn nhân được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Các nạn nhân được xác định trúng độc do ăn nhầm phải thịt con nưa
Các nạn nhân được xác định trúng độc do ăn nhầm phải thịt con nưa

Theo BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, các nạn nhân đều tăng bạch cầu máu, tổn thương gan, men gan tăng cao gấp 4 - 5 lần mức bình thường.
 
Đây là những ca bệnh có biểu hiện bất thường, lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận. Hơn một tuần điều trị theo triệu chứng nhưng bệnh không thuyên giảm nên các nạn nhân tiếp tục được chuyển sang khoa Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM.

Anh Lê Văn T. cho biết: “Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán gia đình tôi bị ngộ độc do ăn nhầm phải thịt con nưa. Qua 2 ngày nằm tại Chợ Rẫy, tình trạng sức khỏe của 3 người thân trong gia đình tôi đã ổn định nên sắp được xuất viện, 3 người còn lại trong đó có tôi còn phải tiếp tục theo dõi, điều trị”.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 14/8 Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi đến Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk yêu cầu triển khai các nội dung: Điều trị tích cực cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc; tổ chức điều tra xác định rõ căn nguyên trong vụ ngộ độc và công khai kết quả để cảnh báo cho cộng đồng; hướng dẫn người dân phân biệt con nưa và con trăn; khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn, uống tiết canh, thịt động vật chưa nấu chín, đặc biệt là con nưa và các loài động vật lạ, không rõ nguồn gốc.

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Theo thông tin từ Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, trước đó vào đầu tháng 7/2013, tại xã Cư K’Long, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cũng đã xảy ra vụ ngộ độc do sử dụng tiết con nưa làm 12 người trúng độc phải nhập viện.

Vân Sơn