Vụ 18 người chạy thận nghi sốc phản vệ: Do tồn dư hóa chất xúc rửa hệ thống nước?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ đồng loạt 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Đa khoa Hòa Bình nghi sốc phản vệ, trong đó 6 người đã tử vong, nhiều người cho rằng liên quan nhiều đến hóa chất tồn dư do xúc rửa hệ thống nước chạy thận.
Tiến sĩ Nguyễn Cao Luận, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, đặc thù của chuyên ngành chạy thận nhân tạo là cùng lúc hàng loạt người được chạy thận. Vì thế, nếu xảy ra tình huống 1-2 người bị sốc phản vệ thì có do yếu tố cơ thể- từng cá thể với thuốc, hóa chất. Còn nếu cùng lúc hàng loạt người bị thì cần chú ý đến hệ thống xử lý nước, việc rửa quả lọc... đã đúng quy trình chưa, có còn chất tồn dư, hay vấn đề ở dịch truyền- dịch thẩm tách...
Theo tiến sĩ Luận, các trường hợp sốc phản vệ khi chạy thận nhân tạo bản thân các bác sĩ cũng gặp, nhưng chỉ một vài ca, như bỗng dưng bệnh nhân có biểu hiện rét run, run người thì ngay lập tức bác sĩ ngừng quá trình lọc máu, cấp cứu người bệnh thì không có tử vong.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết, trong chạy thận sử dụng nhiều hóa chất và thuốc. Trong tình huống này, với 18 người chạy thận cả 18 người cùng bị, nhiều khả năng không phải do thuốc. Bởi nếu do thuốc sẽ có người bị, có người không bị vì liên quan đến yếu tố cơ địa.
“Bị đồng loạt 100% bệnh nhân đang chạy thận có thể nghĩ đến khả năng hóa chất xúc rửa đường ống. Trong chạy thận phải có hệ thống nước siêu tinh khiết để lọc máu. Hệ thống này không sát trùng thường xuyên sẽ bị nhiễm trùng nhưng nếu xảy ra tình trạng nhiễm trùng thì cũng là các ca riêng lẻ. Trong trường hợp 18 người bị, nhiều khả năng người ta sử dụng thuốc sát trùng nhưng tồn dư gây sốc hàng loạt và hàm lượng hóa chất tồn dư với nồng độ tương đối cao”, chuyên gia này nhận định.
Bởi trong chạy thận nhân tạo, hàng tuần sẽ phải sát trùng hệ thống nước, xúc rửa toàn bộ hệ thống, rửa xả sạch sẽ rồi mới tiếp tục chạy thận cho bệnh nhân. “Sự việc xảy ra đầu tuần, nhiều khả năng do sát trùng hệ thống”, bác sĩ này cho biết.
Trong y văn, sốc do hóa chất sát khuẩn trong hệ thống nước có thể xảy ra, với tỉ lệ 5% trong lọc máu cho bệnh nhân chạy thận. Các ca sốc trong chạy thận thỉnh thoảng cũng xảy ra tại Việt Nam nhưng lẻ tẻ, thấy bệnh nhân có biểu hiện rét là được phát hiện, xử lý kịp thời, chưa bao giờ xảy ra tình huống 100% bệnh nhân chạy thận như lần này.
Một bác sĩ khác đang làm việc tại khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) cũng nhận định, sự cố xảy ra tại Hòa Bình khiến 18 người chạy thận nghi sốc phản vệ không thể là do thuốc, bởi sốc phản vệ mang yếu tố cơ địa, mỗi loại thuốc, hóa chất khác nhau gây sốc ở những cơ địa khác nhau.
Bác sĩ này cũng nghĩ nhiều đến hệ thống nước trong chạy thận bởi nước dùng cho thận nhân tạo cần phải được xử lý nghiêm ngặt, siêu tinh khiết. Nếu một bệnh nhân chạy thận khi sử dụng nước có vấn đề là bệnh nhân có biểu hiện rét ngay. Bác sĩ biết can thiệp sớm thì bệnh nhân tránh được nguy cơ sốc phản vệ.
TS Luận cho biết, đó chỉ là những nhận định ban đầu, còn để xác định nguyên nhân, cần có một hội đồng chuyên môn xem xét các tình huống, xét nghiệm xem có chất tồn dư.
Hồng Hải