Vòng luẩn quẩn ung thư tại Việt Nam
(Dân trí) - Không chỉ có tỉ lệ mắc ung thư tăng 50% trong hơn chục năm trở lại đây, chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức nữa là tỉ lệ tử vong sau chẩn đoán ung thư rất cao (75%) dù các bác sĩ tích cực điều trị và người bệnh cùng gia đình đã bán tất cả tài sản để cứu chữa.
Theo Tuyên bố gánh nặng ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2012 của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, số ca mắc ung thư mới hàng năm là hơn 14 triệu, tăng 3,2 triệu ca so với năm 2002. Số ca hiện mắc trong năm 2012 là 32,5 triệu, tăng gần 8 triệu so với 1 thập kỷ trước.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết số ca mắc ung thư sau 10 năm (2000-2010) đã tăng khoảng 50% (từ 68.810 ca lên 126.307 ca) và dự báo sẽ tăng thêm 50% vào năm 2020 với 190.000 ca mắc.
Cùng với số ca mắc ung thư gia tăng là tỉ lệ tử vong cao (3/4 trường hợp tử vong sau khi phát hiện bệnh) và gánh nặng tài chính đè nặng lên người bệnh.
Cụ thể, thống kê từ Nghiên cứu chi phí điều trị Ung thư tại các quốc gia Đông Nam Á (ACTION), được tiến hành tại 8 quốc gia với 9.513 bệnh nhân (Việt Nam chiếm 20% bệnh nhân) trong giai đoạn 2012 – 2014, cho thấy bệnh nhân ung thư Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao lên đến 55% trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chẩn đoán muộn. Chỉ có 5% người bệnh được chẩn đoán sớm bệnh ung thư ở giai đoạn I và II.
“Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ khiến chi phí điều trị tăng cao, người bệnh tốn kém nhưng vẫn tử vong”, PGS.TS Mai Trọng Khoa, PGS. TS, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), nhấn mạnh.
Nghiên cứu được thực hiện tại ba bệnh viện là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TpHCM này cũng cho thấy 41% bệnh nhân sống sót sau 1 năm chẩn đoán phải đối mặt với hệ lụy tài chính từ chi phí điều trị.
Chính thu nhập thấp và trình độ học vấn thấp có liên quan mật thiết đến việc gia tăng tỷ lệ tử vong và thảm họa tài chính này. Bên cạnh đó, bệnh nhân thuộc diện không có bảo hiểm y tế cũng có nguy cơ đối mặt với hệ lụy tài chính cao hơn so với những người có bảo hiểm. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế được chẩn đoán sớm sẽ có cơ hội sống còn cao và tỷ lệ gặp phải hệ lụy tài chính thấp do được miễn giảm một phần chi phí điều trị.
Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất bệnh ung thư cần phải được Bộ Y tế công nhận và được ưu tiên đưa vào top 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Chính phủ nên nhìn nhận ung thư dưới góc độ vấn đề quốc gia với tầm ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở vấn đề sức khỏe mà còn liên quan đến các hộ gia đình, xã hội và cả nền kinh tế.
Trần Phương
Email: tranthuphuong@dantri.com.vn