Vô tư mát-xa: mất mạng như chơi

Mới đây, một người đàn ông Hungary 31 tuổi, ngụ ở TPHCM tử vong sau khi được nhân viên tiệm mát-xa thực hiện các thao tác xoa bóp mạnh vùng cổ, khiến động mạch cảnh tổn thương, xuất huyết tạo thành cục huyết khối theo máu lên não gây đột quỵ. Tai nạn trên không phải hy hữu.

Trước đó, ở Hà Nội đã có những tai nạn tương tự mà nguyên nhân hầu hết do không thực hiện đúng các thao tác mát-xa.

 

Trung bình một người học xoa bóp để thành thục phải mất 1 - 2 năm. Ảnh: Lê Kiên

Trung bình một người học xoa bóp để thành thục phải mất 1 - 2 năm. Ảnh: Lê Kiên

 

Mát-xa có tác dụng gì?

 

Theo y học cổ truyền, xoa bóp (tẩm quất) là phương pháp dùng bàn tay, ngón tay là chính, nhằm tác động lên da thịt, gân khớp để đạt mục đích phòng và chữa bệnh. Để đạt được các kỹ thuật xoa bóp một cách nhuần nhuyễn, phải cần nhiều thời gian tập luyện. Trung bình một người học xoa bóp để thành thục phải mất 1 - 2 năm.

 

Theo y học hiện đại, mát-xa là những thủ thuật xoa nắn các mô của cơ thể một cách có khoa học và hệ thống, chủ yếu tác động lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tuần hoàn tổng thể.

 

Xoa bóp có hai hiệu quả: thứ nhất là hiệu quả phản xạ do kích thích các cơ quan cảm thụ ngoại biên trong da, sau đó dẫn truyền các xung động qua tuỷ sống lên não và tạo ra cảm giác thích thú và thư giãn, giảm thiểu căng thẳng tinh thần; thứ hai là hiệu quả cơ học: trợ giúp sự hồi lưu của tuần hoàn máu và bạch huyết cũng như tạo cử động của cơ, và có hiệu quả kéo dài sự kết dính giữa các cơ và di chuyển các chất dịch bị tích tụ.

 

Xoa bóp có thể chỉ định một số trường hợp: viêm khớp, viêm quanh khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm dây thần kinh, viêm xơ cơ, đau lưng… và các trường hợp liệt như: liệt bán thân, liệt hai chi dưới, liệt tứ chi, bại não, bệnh xơ cứng rải rác…

 

Xoa bóp còn giúp làm dịu thần kinh đối với người bệnh rối loạn tâm thần. Xoa bóp còn giúp giảm nhiều bệnh tật: tăng chức năng hô hấp trong bệnh hen, giảm mức độ glucose ở những bệnh nhân đái tháo đường, và tăng tự nhiên tế bào huỷ diệt HIV trong bệnh nhân HIV/AIDS, giảm huyết áp trong bệnh nhân cao huyết áp, giảm triệu chứng nghiện rượu và có thể giúp cải thiện liệt cứng từ di chứng tai biến mạch máu não.

 

Coi chừng tiền mất tật mang

 

Khi bác sĩ tiếp nhận khám và chẩn đoán bệnh nhân, bước đầu tiên là kiểm tra xem họ có bệnh lý gì hay không rồi mới chỉ định có nên điều trị bằng xoa bóp. Vì mỗi người có những bệnh lý, tình trạng sức khoẻ và cơ địa khác nhau.

 

Trên thực tế, do không có kiến thức chuyên môn, truyền nghề cho nhau theo kiểu biết gì chỉ đó nên người hành nghề xoa bóp không quan tâm đến độ tuổi, người bệnh khoẻ hay yếu, có bệnh lý về cột sống, tim mạch, huyết áp hay không, mà với ai cũng như nhau: ấn, day, giẫm lưng, bẻ cổ, kéo tóc… Nguy hiểm hơn, một số người đến những cơ sở dịch vụ trong trạng thái say xỉn thường yêu cầu nhân viên làm mạnh cho sảng khoái. Với những người không có chuyên môn về xoa bóp thì không được làm các động tác bẻ mạnh các khớp, nhất là ở đốt sống cổ và cột sống, bởi vì đây là nơi tập trung nhiều tuỷ sống. Những động tác mạnh tác động vào xương, khớp như: giẫm chân lên lưng, bẻ cổ không đúng cách… có thể dẫn đến giãn dây chằng, gây co rút cổ, nặng hơn thì bong gân cột sống, giập tuỷ, thậm chí liệt cột sống. Với trường hợp bệnh nhân bị ung thư xương, ung thư cột sống, tẩm quất không đúng cách có thể dẫn đến tàn tật, tử vong.

 

Xoa bóp còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng, bởi nó có thể phá vỡ hàng rào ngăn chặn không cho ổ nhiễm trùng lan rộng. Khi người được xoa bóp bị viêm tĩnh mạch huyết khối, xoa bóp có thể làm vỡ các cục huyết khối di chuyển theo đường tuần hoàn và gây tình trạng nghẽn mạch… Hiện nay, người đi xoa bóp dạo thường mang theo một tấm nilông hoặc chiếu, ai được xoa bóp cũng nằm mình trần trên đó, rất dễ lây truyền bệnh ngoài da. Ngoài ra, người mua dầu thoa vì ham rẻ, thường mua hàng không rõ nguồn gốc, có khi gây ngộ độc, kích ứng da. Tay của người thực hiện nếu bẩn cũng là trung gian lây bệnh. Vì vậy, người xoa bóp cần vệ sinh tay bằng xà phòng sát khuẩn sạch sẽ trước và sau khi thực hiện. Người điều trị cần thư giãn và thoải mái sao cho các thao tác thực hiện dễ dàng, khéo léo, với phương châm “đạt hiệu quả nhất, ít mất sức nhất”; đồng thời tránh vặn bẻ các khớp, cột sống mạnh, đột ngột. Khi đi làm tẩm quất cũng cần thận trọng với người bệnh suy yếu, loãng xương, người bị bỏng hay bị thương mới lên da non, người bị bệnh tim, phổi nặng...

 

Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ

Giảng viên khoa Y học cổ truyền

Đại học Y dược TPHCM

Sài Gòn tiếp thị