Vỡ òa niềm vui sinh con sau 5 lần sẩy thai

(Dân trí) - Lấy chồng từ năm 19 tuổi, trải qua 5 lần mang thai rồi mất con trong suốt 11 năm, chị Nguyễn Thị Hạnh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) những tưởng mình sẽ không bao giờ được làm mẹ nữa…

5 lần từ biệt con đau đớn

Nhớ lại quãng thời gian 11 năm lấy chồng với 5 lần đậu thai nhưng không lần nào được ôm con vào lòng, chị Hạnh òa khóc. Òa khóc bởi trải qua hành trình 11 năm, với những đứa con đã đủ hình hài nhưng cứ lặng lẽ rời chị đi khi được 5 - 6 tháng. Òa khóc nhớ lại mỗi lần liệm con, những đứa con chưa một ngày được bú mớm, đã đủ hình hài nhưng được sống trên cõi đời bởi quá non tháng.

“Sau khi lấy chồng, em có bầu ngay, gia đình nhà chồng rất vui mừng bởi con dâu mang thai cháu đầu lòng. Niềm vui chưa trọn thì đã tắt khi thai được 4,5 tháng tuổi, mình vẫn đang ở nhà, sức khỏe hoàn toàn bình thường thì bỗng nhiên ra máu, rồi giọt máu đã đủ hình hài cứ thế đùn ra. Mình khóc ngất vì biết đã mất con”, chị Hạnh nhớ lại.
 
Chị Hạnh vui mừng không siết khi đón con đầu lòng sau 11 năm và trải qua 5 lần sảy thai
Chị Hạnh vui mừng không siết khi đón con đầu lòng sau 11 năm và trải qua 5 lần sảy thai

Sau đó không lâu, chị lại có thai, khấp khởi mừng thầm ông trời đã thương mình, cho mình một đứa con. Vượt qua ngưỡng 4,5 tháng như lần mang thai đầu, em bé vẫn an toàn, chị vẫn khỏe mạnh, cả nhà chắc mẩm con sẽ khỏe mạnh.

“Đến khi thai được 5,5 tháng tuổi, giống y như đứa đầu tiên, mình cũng bỗng dưng ra máu dù không đau đớn gì và con cũng vĩnh viễn ra đi, dù đã đủ hình hài. Lần này thì mình thực sự sốc khi nhìn thấy con bé nhỏ nằm lẫn máu, nhau… Hai vợ chồng cố kìm lòng lo cho con, trong lòng thấp thỏm, lẽ nào mình sẽ không bao giờ được ôm con trong lòng…

Nhưng nỗi đau chưa dừng lại, chị không thể hình dung 3 lần mang thai sau đó, các con cũng lần lượt bỏ chị đi khi thai đã đủ hình hài. Trong đó, lần mang thai thứ 5 em bé đã nặng tới 900gram, khi đã được 6,5 tháng.

Tự cảm nhận thấy mình có gì đó bất thường khi cả 2 lần mang thai đầu đều không thành, khi con đã đủ hình hài, chị cứ nghe ở đâu mách có thầy lang giỏi là đi cắt thuốc. Chị Hạnh cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đi cắt thuốc ở Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc.... Đã không biết bao lần chị đến bệnh viện từ viện Quảng Ninh đến bệnh viện ở Hà Nội… Nhưng dường như càng cố gắng anh chị lại càng rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi lần lượt 3 lần mang thai sau đó, con cũng không được sống trên cõi đời.

“Với người phụ nữ, không gì đau đớn, tuyệt vọng hơn việc lấy chồng mà không thể sinh con. Nhất là khi chồng vẫn yêu thương, không ruồng rẫy mình. Chồng đưa mình đi khắp mọi nơi chữa trị. Nỗi đau cũng càng tăng lên gấp bội khi hình ảnh 5 đứa con đã đủ hình hài mà mình và chồng thay vì được bế bồng, ôm ấp con thì đã phải liệm con”, chị Hạnh nói.

Hạnh phúc vỡ òa!

Đến năm 2010 thì cuối cùng may mắn cũng mỉm cười khi chị đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội).

GS.TS Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc BV Phụ sản Trung ương nhớ lại: “Lần đầu gặp vợ chồng bệnh nhân này khi họ đến khám tại viện, tôi thấy tiền sử bệnh nhân quá nặng nề với 5 lần sẩy thai. Tôi cảm nhận nỗi đau đớn của bệnh nhân đến thế nào, nhất là khi biết họ đều liệm em bé, đưa lên đài hóa chứ không vứt bỏ đi như những hài nhi nhỏ tháng bị sẩy khác tôi càng thấy bệnh nhân xót thương giọt máu của như thế nào, khao khát có con như thế nào”, GS Vy nói.
 
GS Nguyễn Đức Vy
GS Nguyễn Đức Vy

Khi chụp X - quang, bác sĩ phát hiện chị Hạnh có tử cung đôi. Đây là một dị tật tử cung hiếm gặp bởi thường chỉ gặp bệnh nhân có 1 buồng tử cung nhưng có vách ngăn, việc xử lý thì đơn giản hơn nhiều so với trường hợp có tử cung đôi. Đây là một dị tật hiếm gặp nên những phẫu thuật nối 2 tử cung cũng rất hiếm.

“Đây chính là nguyên nhân khiến chị Hạnh bị sẩy thai liên tục. Bởi lòng tử cung bị hẹp, khi thai phát triển đến mức độ nào đó, tử cung không lớn lên được nữa dẫn đến hiện tượng co bóp, tống thai ra ngoài”, GS Vy nói.

GS Vy cho biết, tử cung đôi cũng khá hiếm gặp. Cũng có những người dù tử cung đôi vẫn sinh con được bình thường nếu hai buồng tử cung lệch nhau. Nếu thai làm tổ ở buồng tử cung hẹp, đến thời điểm nhất định, khi thai lớn lên, buồng tử cung không còn sức chứa sẽ đẩy thai ra gây sảy thai. May mắn cho những người thai làm tổ ở buồng tử cung rộng em bé vẫn phát triển lớn được.

GS Vy đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ phần vách hai tử cung, nối chúng lại với nhau thành một tử cung lớn. Trong khi thao tác thì phải thật cẩn thận để chúng không dính lại với nhau. Điều may mắn là bệnh nhân có 2 buồng tử cung nhưng lại chung một cổ tử cung, nếu có 2 cổ tử cung riêng biệt thì sẽ rất khó khăn.

Kết quả phẫu thuật thành công nhưng vết sẹo mổ của bệnh nhân rất to, rộng tới tận cổ tử cung. Vì thế, tôi luôn dặn bệnh nhân phải giữ gìn đến khi vết sẹo mổ ổn định mới được có thai. Bởi có bầu sớm, sẹo mổ quá to cực nguy hiểm, có thể gây nứt sẹo, vỡ tử cung. Khi đó là một tai biến nghiêm trọng, vừa có thể chết mẹ, con cũng không thể cứu nổi.

Nhưng vì quá nóng lòng, sau 14 tháng mổ, chị Hạnh đã mang thai. Bác sĩ đã phải dùng thuốc nội tiết để giữ thai, làm mềm vết sẹo và được theo dõi thai chặt chẽ. “Lần mang thai này mình thấp thỏm, lo lắng vô cùng sợ sẽ như những lần trước. Nhưng may mắn, con đã lần lượt vượt qua những nấc thời gian của anh chị bé. Đến tuần 36 tôi được chỉ định mổ đẻ sau khi bác sĩ đã tiêm thuốc trợ phổi cho bé. Ngày 6/9, khi thai được lấy ra, nặng 2,5kg là một bé trai, mình thực sự khóc òa vì hạnh phúc, ngỡ như là mơ khi được ôm con trong lòng”, chị Hạnh xúc động nói.

GS Vy cho biết, những lần sau, chị Hạnh hoàn toàn có thai bình thường sau sinh lần đầu 2 - 3 năm.

Bài và ảnh: Hồng Hải