Vitamin bổ sung chỉ là… giả dược?
(Dân trí) - Chống chọi với sự lạnh giá của mùa đông, bạn tìm đến các vi chất nhân tạo. Nhưng điều này có thực đúng khi cuốn sách đang gây tranh cãi và đang là hiện tượng tại Mỹ cho thấy con người đang bị ám ảnh bởi các loại vitamin và dưỡng chất bổ sung.
Dễ mua như “thuốc tự nhiên”
Theo số liệu từ hãng phân tích bán lẻ Mintel, 42% người Anh thường xuyên dùng vitamin bổ sung và chi gần 400 tỉ bảng Anh cho các loại thuốc này trong năm ngoái.
Điều này đã chỉ ra mê hồn trận mà khách hàng bị rơi vào khi các kệ thuốc luôn đầy chật các liệu pháp hoàn hảo, những cửa hàng thực phẩm cũng bày xen các hộp vitamin như một thực phẩm chính hiệu khi chúng được quảng cáo là có nguồn gốc tự nhiên với các tác dụng thiết thực như trợ giúp tiêu hóa (viên atisô), tăng trí nhớ và tinh thần (sâm Hàn Quốc), chống viêm tự nhiên (viên nghệ), tỏi (với các tác dụng như tránh cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng đường hô hấp, dịu cổ họng bị viêm)…
Đặc biệt được ưa chuộng là các chiết xuất chống ôxy hóa có trong các quả lê, quả mọng với tác dụng trẻ hóa, căng da, giảm cân… hay thậm chí là bệnh tim. Đúng là về lý thuyết, quá trình oxy hóa trong cơ thể sẽ sản sinh ra các gốc tự do, gây hại cho cơ thể mà được cho là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, không rõ các chất chống ôxy hóa này hoạt động như thế nào hoặc liệu chúng có hoạt động như mong đợi khi vào cơ thể.
Nghiên cứu của ông còn chỉ ra vô số các lựa chọn khác như cây kế sữa (cho những người uống rượu thường xuyên hoặc tiếp xúc với hóa chất), vitamin C ('iều cao có thể cung cấp thêm cách bảo vệ chống lại quá trình ôxy hóa); viên omega-3 (có thể giúp giảm các triệu chứng của một loạt các rối loạn); axit folic (bảo vệ thai nhi khỏi các dị tật bẩm sinh; đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tim mạch)…..
Không có cơ sở khoa học
Để hiểu hơn nữa về các chất bổ sung này, chuyên gia dinh dưỡng Anh còn tìm kiếm thông tin từ các viện y học như Viện Sức khỏe quốc gia Anh và Trường Y tế công cộng Harvard (Mỹ). Kết quả cho thấy các nghiên cứu chỉ ra rằng các vi chất bổ sung này có tác dụng tương tự như giả dược và quyền năng của các chất ôxy hóa nhân tạo hay chiết xuất không vô song như quảng cáo.
Tổ chức Cochrane Collaboration là một nhóm nghiên cứu y tế mà biên soạn và xem xét tất cả các bằng chứng trong các nghiên cứu độc lập. Theo đó, năm 2008, họ đã xem xét 67 thử nghiệm khác nhau liên quan đến chất chống oxy hóa với 232.550 người tham gia. Kết quả cho thấy có nhiều nghiên cứu không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy uống chất chống ôxy hóa sẽ mang lại lợi ích. Trong thực tế, vitamin A, beta-carotene và vitamin E – đều là những chất chống ôxy hóa mạnh – còn làm tăng nguy cơ tử vong.
Vậy còn dầu cá? Nhiều quảng cáo khẳng định nó giúp cải thiện chức năng não nhưng trong một nghiên cứu kéo dài 18 tháng trên 400 bệnh nhân bị Alzheimer. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, viên bổ sung omega-3 đã thất bại trong vai trò cải thiện các triệu chứng của người bệnh. Mặc dù đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ nhưng nó cho thấy có rất ít bằng chứng cho thấy những chất bổ sung này thực sự tốt cho cơ thể.
Vô số các nghiên cứu khác cũng phản ánh điều này – 2009 là năm đánh dấu kết thúc của một nghiên cứu về việc làm thế nào để ngăn ngừa bệnh tim, ung thư, loãng xương ở phụ nữ mãn kinh kéo dài 15 năm tại Mỹ. Các thử nghiệm liên quan đến 161.808 phụ nữ cho thấy vitamin tổng hợp dùng cho phụ nữ không có bảo vệ họ chống lại nguy cơ mắc ung thư vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung, thận, bàng quang, dạ dày, buồng trứng hoặc ung thư phổi.
Trong khi đó, có hàng trăm nghiên cứu đã chứng minh rằng luyện tập thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch vành, đột quỵ và bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu về bổ sung vitamin đã hoàn toàn thất bại trong việc tạo ra các kết quả thuyết phục tương tự.
Người tiêu dùng đã bị dẫn dụ
Vậy tại sao chúng ta vẫn duy trì việc uống các vi chất bổ sung này? Và niềm tin rằng chúng tốt cho chúng ta đến từ đâu?
Một phần của vấn đề nằm ở những người đề xướng và ủng hộ Y học thay thế và bổ sung (CAM). Đây là những người bán ý tưởng bằng trực giác hơn là các bằng chứng có giá trị về mặt lâm sàng.
Họ nhấn mạnh rằng y học hiện đại tin tưởng vào các nhà khoa học, những người không dựa vào nội sinh của cơ thể và họ cho rằng các bác sĩ không nhìn cơ thể như một tổng thể và ứng xử như cách sửa chữa, thay thế các động cơ của 1 chiếc xe hơi.
Trong khi đó, các bác sĩ hoàn toàn không hề thờ ơ với các chất bổ sung nếu nó thực sự hiệu quả. Các bác sĩ đa khoa sẽ vô cùng vui mừng nếu một chất nào đó được chứng minh là có thể hỗ trợ cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, các bằng chứng là gần như không có trong khi bất kỳ loại thuốc nào cũng phải đi qua thử nghiệm rộng rãi trước khi được bán trên thị trường và các chất bổ sung thì hoàn toàn thiếu bước đó.
Nhân Hà
Theo DM