Virus viêm gan B: Sát thủ thầm lặng thách thức y học thế giới

Minh Nhật

(Dân trí) - Xâm nhập, tồn tại, phá hủy gan một cách từ từ nhưng dai dẳng, đây là lý do virus viêm gan B được coi là "sát thủ thầm lặng".

Virus viêm gan B là một loại virus thuộc nhóm Herpadnavirus (hepatitis B virus - HBV), là một trong những virus có kích thước nhỏ nhất đã được biết đến với đường kính 42nm.

Mặc dù có kích thước cực nhỏ, virus viêm gan B có một lớp vỏ rất chắc chắn để bảo vệ nên có thể sống trong thiên nhiên rất lâu mà không bị thay đổi. Môi trường lạnh đến -20 độ C kéo dài 15 năm không gây tác hại cho HBV. Nếu nhiệt độ xuống đến -80 độ C, HBV có thể chịu đựng được 2 năm. Với điều kiện nhiệt độ bình thường trong phòng, HBV có thể sống được 6 tháng và nếu như bị làm khô trong vòng từ 3 đến 4 tuần, HBV vẫn giữ nguyên được khả năng tàn phá tế bào gan khi xâm nhập vào cơ thể.

Virus viêm gan B: Sát thủ thầm lặng thách thức y học thế giới - 1

Viêm gan B cũng lây truyền qua 3 con đường như HIV là từ mẹ sang con, quan hệ tình dục không an toàn, truyền máu và các chế phẩm của máu có virus viêm gan B nhưng khả năng lây nhiễm của HBV lại cực cao. Do vậy hiện trên thế giới đang có khoảng 2 tỷ người nhiễm virus viêm gan B, trong đó 400 triệu người mắc viêm gan B mạn tính. Tại Việt Nam có khoảng 9 triệu người dương tính với HBV và mỗi năm lại có 8000-100.000 ca mắc mới, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 21-40, đang trong độ tuổi lao động sung sức nhất.

Bệnh lại rất khó phát hiện bởi không có những biểu hiện lâm sàng rõ nét. Hơn nữa khi xâm nhập vào cơ thể, virus viêm gan sẽ tấn công, hủy hoại gan theo một lộ trình dài và tăng dần. Theo đó, từ viêm gan virus nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan và cuối cùng là tử vong. Theo thống kê, hiện 70% số ca ung thư gan và 58% số bệnh nhân mắc xơ gan đều có nguồn gốc từ viêm gan virus B.

Khi bệnh đã chuyển qua giai đoạn này thì những phương pháp có thể điều trị rất giới hạn và tốn kém. Mạng sống của bệnh nhân lúc này bị đặt trong vòng nguy hiểm và chất lượng cuộc sống cũng trở nên kém đi.