1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam triển khai ghép tế bào gốc không trễ hơn so với thế giới

(Dân trí) - Đó là khẳng định của BS.CK2 Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học tại hội nghị Truyền máu huyết học phía Nam lần 3 và Lễ kỷ niệm 20 năm ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức sáng 21/8, ở Đà Nẵng.

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, là cơ hội duy nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.

Tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc xuất hiện sớm nhất là trong lĩnh vực huyết học– truyền máu.

img-8129-55770
Hội nghị Truyền máu huyết học phía Nam lần 3 và Lễ kỷ niệm 20 năm ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên tại Việt Nam được tại Đà Nẵng từ ngày 21 - 22/8

Trong lĩnh vực huyết học - truyền máu, theo đánh giá của Bộ Y tế, ngành truyền máu - huyết học của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, ứng dụng được những kỹ thuật mới như tế bào gốc, giúp điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh về máu và có liên quan ... một số lĩnh vực đã tiếp cận với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo, BS.CK2 Phù Chí Dũng, giám đốc Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học cho biết, ngay từ năm 1995, dưới sự chủ trì của PGS. Trần Văn Bé tại Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TPHCM đã thực hiện thành công ghép tế bào gốc tạo máu đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một thành tựu đáng ghi nhớ. Từ kết quả này đã đặt nền móng cho việc phát triển hoạt động ghép tế bào gốc máu ngoại vi, tế bào gốc máu cuống rốn trên phạm vi cả nước như hiện nay.

Đến nay, trên toàn quốc đã có 9 trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu. Số lượng các ca bệnh được tiến hành ghép tại các trung tâm không ngừng được tăng lên, đặc biệt là từ năm 2006 đến nay. Riêng bệnh viện Truyền máu - Huyết học đã thực hiện ghép 185 trên tổng số 445 ca của cả nước, bệnh viện luôn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này.

Cũng theo BS.CK2 Phù Chí Dũng, tại Việt Nam việc triển khai ghép tế bào gốc còn nhiều khó khăn. Đó là chúng ta không có ngân hàng tế bào gốc cộng đồng. Chúng ta cũng chưa có cơ sở ghép tế nào gốc nào đạt chuẩn hiện đại xứng tầm với các nước phát triển trên thế giới. Mặc dù chi phí ghép tế bào gốc của Việt Nam chúng ta rất thấp, mới chỉ bằng 1/10 ở Singapore và 1/50 ở Mỹ nhưng với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam thì chi phí đó vẫn còn cao, bảo hiểm chi trả cho kỹ thuật ghép vẫn chưa được nhiều do đó một số người bệnh không có khả năng để chi trả. Chúng ta cũng có một số hạn chế thuốc…

“Tại Việt Nam, chúng ta đã triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc không có trễ so với các nước trên thế giới. Bởi kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu bắt đầu từ năm 1970 và năm 1990 bắt đầu mới mạnh lên. Trong các nước Đông Nam Á, chúng ta chỉ ở tầm thấp Thái Lan một ít thôi”, BS.CK2 Phù Chí Dũng khẳng định.

Khánh Hồng