Ngày dân số Thế giới 11/7:

Việt Nam rất khó đạt chỉ tiêu giảm sinh năm Rồng!

(Dân trí) - Tại buổi họp báo hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7), ông Nguyễn Văn Tân, phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), cho biết rất khó có thể đạt được chỉ tiêu giảm sinh và nước ta đang phải đối mặt với tỷ số sinh tăng vọt trong năm Rồng.

Tăng vọt sinh con thứ 3
 
Trong 5 tháng đầu năm 2012, đã có hơn 500 nghìn trẻ được sinh ra, tăng đến 13,5% so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt, số trẻ là con thứ ba tăng đến gần 20% so với năm 2011. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh thứ ba trở lên là khá cao (120 trẻ trai/100 trẻ gái).
 
“Thực sự là nhiều khó khăn, thách thức trong năm Rồng, bởi quá nhiều người Việt “săn” Rồng con, muốn có một Rồng nhỏ trong nhà, đặc biệt là Rồng đực. Trên con số tổng hợp 5 tháng đầu tiên này, chúng tôi dự báo rất khó có thể đạt được chỉ tiêu giảm sinh năm 2012”, ông Tân nói.
 
2012 - Việt Nam đối mặt với tỷ số sinh tăng vọt
Tỉ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam đang ở mức cao, 113 bé trai/100 bé gái. (Ảnh: cô giáo mầm non vất vả để rèn một lớp học có nhiều bé trai vào nền nếp)
 
Một cuộc khảo sát nhỏ của phóng viên Dân trí tại một số phòng khám thai phố Thái Thịnh, Nguyễn Du, tại BV Phụ sản T.Ư cho thấy, nhiều người sinh con thứ 3 đều đã siêu âm biết được giới tính thai nhi là bé trai. Chị T.T.V (Nghệ An) ngồi chờ làm thủ tục xét nghiệm trước sinh tại BV Phụ sản TƯ cho biết, chị mang thai con thứ 3 đã được 37 tuần. Đứa lớn nhà chị đã 19 tuổi, đang học Đại học sư phạm Hà Nội, cô nhóc thứ 2 cũng đã học lớp 6. “Hai vợ chồng đã bàn không sinh nữa vì có hai cô con gái xinh xắn, học giỏi, nhưng rồi vẫn “liều” lên kế hoạch sinh đứa thứ 3. “Cũng thấp thỏm lắm. Khi đậu thai, đếm từng ngày để được 12 tuần đi siêu âm”, chị V tâm sự.

Chính vì lý do “khát” Rồng đực mà trong 5 tháng đầu năm 2012, tình trạng mất cân bằng giới tính tại Việt Nam là 113 bé trai/100 bé gái. Cá biệt, có những tỉnh, tình trạng chênh lệch đến mức cứ 130 trẻ trai mới có 100 trẻ gái. Riêng trong nhóm trẻ là con thứ 3, tình trạng chênh lệnh giới tính khi sinh lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái.

Ông Tân cho biết thêm, “Top” 10 tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính cao nhất nước, từ 115 - 131 bé trai/100 bé gái là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

Càng giàu, càng có học thức, càng chọn con trai

“Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, sinh một gái trước, trai sau mới được điểm 10, nhưng thôi, em lấy điểm 8, điểm 9 thôi. Cứ phải có thằng cu trước mới yên tâm, đứa sau con gì cũng được”, N.T.H (Trình dược viên, Khu đô thị Văn Quán, Hà Nội) chia sẻ khi đang đợi đến lượt siêu âm canh trứng để sinh con trai. Chị H chỉ là một trong số những thành viên ủng hộ quan điểm này trên các diễn đàn dành cho các bà mẹ. “Diễn đàn đông đúc các mẹ lắm, ai cũng muốn có nếp, có tẻ nhưng cứ phải giai đầu”, chị H nói.

Và quan niệm này phản ánh ngay trong kết quả điều tra biến động dân số năm 2011: tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất (tỷ số trung bình là 109,7 bé trai/100 bé gái, trong đó ở thành thị cao hơn hẳn nông thôn); còn ở lần sinh thứ hai, tỷ số này tương đương nhau (ở thành thị là 110,2, nông thôn là 112,6). “Điều này cho thấy, ở khu vực thành thị có sự lựa chọn giới tính khi sinh ngay lần đầu, còn khu vực nông thôn chỉ xuất hiện khi sinh lần thứ hai trở đi”, ông Tân nói.

Nguyên nhân có sự chênh lệch tỉ lệ giới tính giữa thành thị và nông thôn được chỉ rõ là ngày càng nhiều phụ nữ biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Trong 5 năm (2006-2011), số bà mẹ biết giới tính con trước sinh đã tăng từ 63,8% lên 80%. Đáng nói, trình độ học vấn của phụ nữ càng cao, khả năng biết giới tính trước sinh càng lớn (tỉ lệ biết giới tính trước khi sinh của phụ nữ tốt nghiệp phổ thông và chưa đi học là khoảng 3:1).

Các giải pháp, chiến lược vẫn đang được đưa ra, thực hiện để giảm tình trạng sinh con thứ 3, tình trạng mất cân bằng giới. Tuy nhiên các giải pháp vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả khi đến tháng 5/2012, tỷ lệ này tiếp tục tăng thêm 1 (113 bé trai/100 bé gái).

“Tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản” là chủ đề của Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tại Việt Nam, Bộ Y tế mong muốn sẽ được tuyên truyền mạnh về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đáp ứng đầy đủ nhu cầu Kế hoạch hóa gia đình cho các cặp vợ chồng, nam giới, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ…

 Hồng Hải