Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS

(Dân trí) - 10 năm trước, một vi rút lạ tấn công đường hô hấp với tốc độ lây lan chóng mặt, 916 người tử vong nhanh chóng khiến cả thế giới kinh hoàng… Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch bệnh nguy hiểm đó.

Khống chế dịch bệnh giết người “hàng loạt” trong 45 ngày

Sáng 25/4, tại buổi mít tinh kỉ niệm 10 năm Việt Nam phòng chống dịch SARS thành công, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y Tế bày tỏ sự tri ân sâu sắc với những bác sĩ đã hy sinh thân mình cho dịch bệnh lạ mới nổi.

“Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch bệnh từng khiến cả thế giới khiếp sợ thời điểm đó, nhưng đổi lại, 5 nhân viên y tế cũng đã phải từ bỏ mạng sống vì lây nhiễm vi rút chết người này”, bà Tiến cho biết.
 
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới được công nhận khống chế thành công dịch SARS.
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới được công nhận khống chế thành công dịch SARS.
 
Ngày 26/2/2003 có thể coi là ngày bệnh SARS chính thức xâm nhập vào Việt Nam với bệnh nhân đầu tiên là ông Johnie Chun Cheng đến Bệnh viện Việt-Pháp của Việt Nam với những triệu chứng sốt cao, ho khan và đâu cơ. Trước khi tới Hà Nội, doanh nhân này đã qua Hồng Kông.

Tại Việt Nam, vài ngày sau khi có bệnh nhân SARS đầu tiên, đến ngày 4/3 đã có 6 nhân viên y tế có tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân đầu tiên phải nhập viện vì sốt cao. Nhận thấy đây là một bệnh lạ nguy hiểm, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế giới giới để kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam cũng đã áp dụng hệ thống kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc.

Thế nhưng con số bệnh nhân tại Việt Nam vẫn không ngừng lại ở đó, tiếp tục tăng lên với 37 trường hợp mắc là bác sỹ, y tá, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân SARS. Sự tiến triển nhanh của bệnh cùng với đặc tính dễ lây lan đã tạo nên một sự hoang mang lo lắng tột độ của những người dân phải tiếp xúc, sống gần khu vực có người bệnh.

“Dịch SARS là 1 trong những dịch bệnh lạ nguy hiểm nhất đã xảy ra vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng lây lan ra 32 quốc gia, và vùng lãnh thổ với …”, bà Tiến nhận định.

Tình trạng viêm phổi tiến triển nhanh của người bệnh, vừa hôm trước phổi chưa bị tổn thương nhiều, đến hôm sau đã trắng xóa, không thở được, dẫn tới suy hô hấp dần được cải thiện bởi các bác sĩ dùng phương pháp thông khí nhân tạo không xâm nhập (không mở khí quản, không đặt ống nội khí quản) vì nếu mở khí quản sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, dễ dẫn đến bội nhiễm viêm phổi, nhưng điều các bác sĩ trăn trở là “tại sao có một số bệnh nhân không hề tiếp xúc với người bệnh mà vẫn mắc bệnh?”.

Các bác sĩ Việt Nam phát hiện vi rút SARS có điều kiện tồn tại lâu trong môi trường điều hòa, muốn tiêu diệt phải dùng loại máy lọc không khí với chi phí đắt đỏ mà BV Y học lâm sàng nhiệt đới khi đó không có đủ điều kiện để chi trả. “Cái khó ló cái khôn”, thay vì dùng điều hòa tốn tiền điện lại tạo thuận lợi cho sự lan nhanh của vi rút, các bác sĩ đã quyết định mở toang các cửa, dùng quạt đẩy vi rút ra khí trời và quả nhiên, phương pháp đơn giản nhưng thành công, không hề phát hiện thêm bệnh nhân mắc bệnh, không có thêm ca tử vong sau 5 ca tử vong là y, bác sĩ tại BV Việt Pháp.

Sau 45 ngày kể từ ca SARS đầu tiên, đến ngày 28/4/2003, Việt Nam được WHO công nhận là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS. Cuối cùng, đến ngày 5/7.2003, WHO thông báo chuỗi lây truyền SARS cuối cùng ở người sang người đã cắt đứt. Tháng 5/2003, Tổng giám đốc WHO đánh giá về thành công của Việt Nam tại Hội đồng Y tế thế giới lần thứ 56: “Kinh nghiệm phòng chống SARS ở Việt Nam cho thấy rằng sự cam kết chính trị ngay lập tức ở cấp cao nhất đóng một vai trò quyết định. Việt Nam đã chứng minh cho thế giới là một nước đang phát triển khi bị dịch bệnh nguy hiểm tấn công, thông tin công khai, minh bạch với sự hỗ trợ đầy đủ từ các tổ chức y tế thế giới….”.

Sự trưởng thành trong lĩnh vực y tế!

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đánh giá: “Đây là một sự kiện quan trọng nhằm đánh giá những thành tựu về công tác phòng chống dịch bệnh, tri ân những cống hiến, hy sinh của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại dịch SARS bảo vệ sức khỏe của nhân dân, góp phần vào sự ổn định về an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước…”

Theo bà Doan, việc Việt Nam thành công trong phòng chóng dịch SARS là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của ngành y tế nước ta, khẳng định với bạn bè thế giới rằng Việt Nam là một nước luôn có trách nhiệm cao với cộng đồng quốc tế, đã không ngần ngại chia sẻ những thông tin về tình hình dịch bệnh với các quốc gia khác và cũng nhờ đó, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của Tổ chức Y tế Thế giới cùng bạn bè quốc tế…

Đây cũng là hình mẫu phòng chống dịch bệnh trong thời đại ngày nay, khi sự giao lưu qua lại giữa các nước đã trở nên phổ biến và dễ dàng, sự lây truyền bệnh là không biên giới. việc phòng chống bệnh dịch không thể chỉ một nước, một Bộ, ngành, một địa phương, một gia dình có thể thực hiện được mà cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế, sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng đến Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia đã dành nhũng ủng hộ nhiệt tình, thiết thực và hiệu quả cho Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh SARS và đã thành công.

Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm