1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam: Hy hữu ca ghép mặt cho nữ bệnh nhân ung thư mất mũi

(Dân trí) - Ban đầu chỉ là một khối u nhỏ kích thước khoảng 1cm vùng cánh mũi, sau hai lần cắt bỏ, khối u lại tái phát, lan rộng, ăn mòn hết toàn bộ vùng mũi, môi trên, hệ thống xương hàm. Khi sang Việt Nam, bệnh nhân đã được khoét bỏ toàn bộ vùng ăn mòn này, tái tạo lại gương mặt.

Ca mổ hy hữu đã được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn và Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thực hiện thành công, mang lại một diện mạo mới cho người bệnh. Đây cũng là ca bệnh các bác sĩ đánh giá là hiếm có trên y văn thế giới bởi tổn thương quá rộng, can thiệp vô cùng phức tạp.

Hình ảnh bệnh nhân trước và sau phẫu thuật.
Hình ảnh bệnh nhân trước và sau phẫu thuật.

GS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn - Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Đại Học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân nữ người Lào (60 tuổi) đã trải qua nhiều lần khám bệnh tại Thái Lan, Trung Quốc.

Trước đó 20 năm, tại Thái Lan bệnh nhân cũng được cắt u hai lần nhưng khối u lại tái phát, ngày càng ăn mòn vùng mũi, môi trên, vòm trên tạo thành vùng mủn đen xì, bốc mùi khó chịu với nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu cao. Bệnh nhân cũng từng khám tại Trung Quốc nhưng bác sĩ cũng từ chối phẫu thuật, chỉ xạ trị.

“Tháng 10/2015, khi đến Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn khám, bệnh nhân suy kiệt do khối u ăn mòn hết vòm, môi trên, người bệnh không thể ăn uống được. Nhìn thấy hình ảnh bệnh nhân nhiều bác sĩ cũng phải giật mình bởi tổn thương quá khủng khiếp, toàn bộ vùng mũi, môi không còn mà chỉ là một ổ nhiễm trùng, hoại tử đen xì. Tuy nhiên, điều rất may mắn khi các bác sĩ khám đánh giá, khối u của bệnh nhân chưa bị di căn”, GS Sơn nói.

GS Sơn cho biết thêm, ngay từ khi khám cho người bệnh, ông và các đồng nghiệp xác định đây là ca bệnh khó bởi bệnh nhân có tổn thương mặt diện tích lớn vô cùng hiếm gặp trong y văn thế giới. Hơn nữa thể trạng bệnh nhân quá yếu nên không thể can thiệp ngay. Vì vậy, bệnh nhân đã được nhập viện, nâng cao thể trạng trước khi các bác sĩ tiến hành ca can thiệp đặc biệt, “khoét” bỏ toàn bộ vùng mủn hôi thối do khối u ăn mòn và tái tạo lại toàn bộ vùng khuyết này.

Ngày 28/1, ca mổ được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với 2 ekip phẫu thuật gồm khoảng 10 bác sĩ, trong đó có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật hàm mặt và gây mê hồi sức như GS Trần Thiết Sơn, PGS Lê Văn Sơn và GS Nguyễn Hữu Tú diễn ra trong 14 tiếng đồng hồ đã thành công.

Theo đó, một ekip tiến hành cắt bỏ, nạo khoét toàn bộ các tổn thương ở tầng giữa mặt và một phần môi dưới, sau đó tạo hình khung xương hàm trên, mũi và sàn ổ mắt hai bên bằng titan. “Hình ảnh sau nạo khoét còn gây bất ngờ với các bác sĩ chuyên dao kéo bởi tổn thương rộng, sau khi xử lý bệnh nhân mất toàn bộ mũi, vùng môi, tạo thành một khoảng trống khổng lồ trên gương mặt”, một bác sĩ cho biết.

Với khoảng trống lớn này, một ekip các bác sĩ khác tiến hành bóc vạt đùi trước 2 bên để lấy da che phủ, tạo hình gương mặt cho người bệnh với tạo hình 4D tầng giữa mặt với các cấu trúc đường thở, môi, vòm, mũi má, cố gắng trả lại một hình hài ổn nhất cho người bệnh.

Đến nay, 8 ngày phẫu thuật bệnh nhân đã tỉnh táo, các vạt da nối vi phẫu tạo hình vùng mũi môi đã sống, hồng hào. Tuy nhiên bệnh nhân cần đợi ổn định khoảng 40 ngày sau lại cần tiến hành thêm một ca phẫu thuật tái tạo lại vùng mũi cho bệnh nhân.

GS Sơn phân tích, ca phẫu thuật khó, phức tạp ở chỗ không chỉ khoét bỏ vùng tổn thương, tái tạo mặt mà do tổn thương ở vị trí hiểm là mũi, các bác sĩ cũng phải tái tạo đường thở và vòm miệng. Trên thế giới ít có trường hợp nào được thực hiện cùng lúc những kỹ thuật này.

“Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của y học Việt Nam. Sau khi được tái tạo lại mũi, gương mặt bệnh nhân sẽ hồi phục 70% so với ban đầu”, GS Sơn nói.

Hồng Hải