1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam đối mặt với "đại dịch" bệnh không lây nhiễm

Hồng Hải

(Dân trí) - Các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... ngày càng gia tăng trên thế giới và Việt Nam.

Tại hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức ngày 27/6, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật, tỉ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Đáng nói, các bệnh không lây nhiễm ngày càng trẻ hóa.

Việt Nam đối mặt với đại dịch bệnh không lây nhiễm - 1

Các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, gây nên gánh nặng bệnh tật, tử vong (Ảnh minh họa: T.Anh).

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất với hầu hết các quốc gia và khu vực.

Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 80% số ca tử vong, trong đó 41% số ca tử vong xảy ra trước 70 tuổi.

Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường. Trong khi đó, một căn bệnh khác là bệnh tăng huyết áp với tỉ lệ mắc là 25% số người trưởng thành. Hay với ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... cũng ngày càng gia tăng.

Các yếu tố dẫn đến bệnh không lây nhiễm ở mức cao là do hút thuốc lá, uống rượu, ăn ít rau và trái cây, ăn nhiều muối, thiếu vận động thể lực. Tỉ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh, trung bình gần 1%/năm. Tình trạng rối loạn lipid máu có chiều hướng tăng cao ở cả hai giới.

Chia sẻ bên hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo của các bệnh viện cho thấy khoảng 70% người bệnh nội trú mắc bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch... đều quá tải.

"Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo sau đại dịch Covid-19, chúng ta sẽ đối mặt với đại dịch các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm rất lớn nhưng chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị. Vì thế, bên cạnh việc phòng các bệnh truyền nhiễm mới nổi như Covid-19, Ebola... cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm và các chấn thương do tai nạn thương tích", PGS Khuê nói.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, những bệnh không lây nhiễm thường có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được, vì vậy kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung của bệnh không lây nhiễm có vai trò quan trọng hàng đầu.

Bộ Y tế đang hợp tác với các quốc gia trong đó có Nhật Bản để chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, quản lý bệnh viện và nhiều lĩnh vực y tế khác.

Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm lần này có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Nhật Bản và Việt Nam, tập trung những bài báo cáo về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Các chủ đề về Tim mạch, Đột quỵ, Đái tháo đường, Hô hấp… sẽ được báo cáo trong 3 phiên toàn thể, 4 phiên chuyên đề với tổng số 28 bài báo cáo. Các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản sẽ trao đổi, chia sẻ trực tiếp và đưa ra các giải pháp, chiến lược quản lý trong phần thảo luận sau mỗi phiên.