Việt Nam: Ca mắc mới ung thư tăng lên 40% vào năm 2030

Tú Anh

(Dân trí) - Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ngày càng tăng cao. Dự báo đến năm 2030, số bệnh nhân được phát hiện và tử vong sẽ tăng lên khoảng 40%, với 230.000 ca mới mắc và 166.000 ca tử vong.

Thông tin trên được GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết tại Hội nghị khoa học "Xạ trị ung thư năm 2023" và Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Xạ trị - Xạ phẫu diễn ra ngày 19/5 tại bệnh viện.

Việt Nam: Ca mắc mới ung thư tăng lên 40% vào năm 2030 - 1

GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đánh giá, xạ trị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị ung thư (Ảnh: M.H).

Theo GS Bàng, trên thế giới hàng năm có trên 18 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cũng ngày càng tăng cao. Dự báo đến năm 2030, số bệnh nhân được phát hiện và tử vong do ung thư tại Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 40% với 230.000 ca mới mắc và 166.000 ca tử vong.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá, số ca mắc ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng. Có nhiều nguyên nhân gây ung thư, trong đó 10% do rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền bên trong cơ thể; 80% do các tác nhân không lành mạnh bên ngoài như liên quan đến hút thuốc, rượu bia, chế độ ăn uống, rèn luyện thể thao; các yếu tố do vi khuẩn, virus, ô nhiễm môi trường, tia phóng xạ…

Việt Nam: Ca mắc mới ung thư tăng lên 40% vào năm 2030 - 2

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, số ca mắc mới ung thư ngày càng tăng lên (Ảnh:M.H).

"Trong đó, riêng hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh ung thư như ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, vú, dạ dày, cổ tử cung…", GS Thuấn nói.

GS Thuấn cũng thông tin thêm, 5 loại ung thư phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư đại trực tràng.

Theo GS Bàng, liệu pháp điều trị đa mô thức được áp dụng trong điều trị nhiều loại ung thư, bên cạnh phẫu thuật và các phương pháp điều trị toàn thân (hóa trị, liệu pháp trúng đích, liệu pháp miễn dịch), xạ trị đóng vai trò vô cùng quan trọng, là một trong những công cụ hiệu quả nhất trong việc điều trị ung thư.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những bệnh viện đi đầu trong lĩnh vực y học hạt nhân và xạ trị. Đến nay, Bệnh viện đã có: 4 máy gamma camera SPECT, SPECT/CT, Labô phóng xạ, máy chuẩn liều (dose calibrator), đầu dò gamma (Gamma probe), 2 hệ thống PET/CT và hệ thống gia tốc Cyclotron 30MeV vào hoạt động sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ chẩn đoán, điều trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, Bệnh viện cũng đang tiến hành triển khai Dự án xạ trị proton, đây là một dự án quốc gia trọng yếu, là điểm nhấn hoàn thiện giúp nâng cao chất lượng điều trị ung thư tại Bệnh viện và cả nước, nâng tầm vị thế quốc gia ngang với các nước trong khu vực và thế giới.

TS.BS Bùi Quang Biểu, Chủ nhiệm Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Phó Viện trưởng Viện Ung thư cho biết, trải qua 10 năm phát triển, khoa có đội ngũ bác sĩ, kỹ sư và kỹ thuật viên xạ trị được đào tạo bài bản tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, có kinh nghiệm thực hiện các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như IMRT, VMAT, Rapid Arc, IGRT, SRS và SBRT.

Việt Nam: Ca mắc mới ung thư tăng lên 40% vào năm 2030 - 3

Có nhiều ca bệnh khó, bệnh nhân đồng thời mắc 2-3 loại ung thư đã được điều trị khỏi (Ảnh: M.H).

Trong 10 năm, Khoa đã điều trị cho 10.000 bệnh nhân ung thư và thực hiện 150.000 lượt điều trị với hiệu quả cao, an toàn và ít tác dụng phụ.

Việt Nam: Ca mắc mới ung thư tăng lên 40% vào năm 2030 - 4

Trong 10 năm, Khoa đã điều trị cho 10.000 bệnh nhân ung thư (Ảnh: MH).

Có những ca khó, như bệnh nhân có 2 - 3 ung thư đồng thời, bệnh nhân nhi cần xạ trị toàn não tủy dưới gây mê, bệnh nhân có nhiều tổn thương di căn não, phổi, hạch được điều trị thành công bằng xạ phẫu và xạ trị lập thể định vị thân.

Đặc biệt, có nhiều bệnh nhân ung thư Việt Nam được các bác sĩ Nhật Bản, Singapore giới thiệu về nước, đến Khoa điều trị do chất lượng điều trị tương đương nhưng giá thành rẻ hơn từ 5 - 10 lần.

Tại Hội nghị khoa học "Xạ trị ung thư năm 2023" có sự góp mặt của 2 chuyên gia hàng đầu IAEA về kỹ thuật xạ trị giảm phân liều và 4 chuyên gia quốc tế cùng hơn 300 đại biểu là các bác sĩ, kỹ sư, kỹ thuật viên, điều dưỡng xạ trị đến từ các bệnh viện quân dân y trong toàn quốc.

Tại đây, các báo cáo viên báo cáo nhiều nội dung liên quan tới xạ phẫu, xạ trị ung thư theo từng nhóm bệnh và kỹ thuật xạ trị…. Ngoài ra, có 25 báo cáo Poster là những báo cáo chất lượng trong chuyên ngành.