1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Viên ngọc quý và trái tim ấm áp

Những cống hiến thầm lặng suốt 15 năm qua của một người Hà Nội- PGS.TS.BS Nguyễn Quang Tuấn, Viện Tim mạch Việt Nam- đã góp phần làm thay đổi sâu sắc lĩnh vực Tim mạch can thiệp (TMCT) Việt Nam.

 

Viên ngọc quý và trái tim ấm áp - 1

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn đang khám bệnh cho bệnh nhân  

Một con người không nhàm chán

 

“Tôi biết mình đi qua cuộc đời này chỉ một lần. Vì vậy nếu cần thể hiện tình cảm của mình với ai đó, hoặc làm một điều tốt đẹp cho những người xung quanh, tôi xin làm ngay trong lúc này. Vì rằng tôi sẽ không quay lại cuộc đời này một lần nữa” (William Penn).

 

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn đã lấy lời dẫn chân thành, tha thiết ấy để trải lòng mình với cuộc đời và người bệnh trong cuốn “Tự sự của trái tim” của anh- một cuốn sách phản ánh khá rõ con đường khoa học mà anh đang đi và những cảm nhận sâu sắc của trái tim anh với trái tim người bệnh. Nhưng dường ấy những tự sự của anh trong những trang viết cũng chưa đủ để hiểu về con người có sức hấp dẫn đặc biệt này.

 

Ít ai biết rằng PGS. Tuấn đến với nghề y lại xuất thân từ một học sinh giỏi quốc gia môn vật lý. Trận ốm khá nặng đã làm cậu học trò xuất sắc Nguyễn Quang Tuấn không thể đến Bungari dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 1983. Số phận đã khiến anh không đi theo lĩnh vực vật lý nguyên tử mà tìm đến con đường của y học.

 

Nhưng chỉ ít ngày trở thành tân sinh viên Đại học Y Hà Nội, anh nhận được lệnh nhập ngũ lên chiến trường biên giới phía Bắc. Sau 4 năm trận mạc, anh lính trẻ Nguyễn Quang Tuấn trở về giảng đường đại học với niềm háo hức và khát vọng tràn đầy về cuộc sống.

 

Rất nhanh chóng anh có được một trong những vị trí dẫn đầu thành tích học tập toàn khóa, giải nhất sinh viên thanh lịch Trường Đại học Y Hà Nội, là tín đồ của nhiếp ảnh. Khi bắt đầu đi lâm sàng tại bệnh viện, chứng kiến các bác sĩ tim mạch mang đến sự hồi sinh kỳ diệu cho những trái tim đang dần nguội lạnh đã cuốn hút anh. Và thế rồi cái duyên gắn bó chuyên ngành tim mạch bắt đầu từ đó. 

 

Sự tinh tế trong tâm hồn và nguồn tri thức phong phú trong nhiều lĩnh vực đã khiến những báo cáo khoa học của anh không khô khan, đơn điệu mà có sức hút đặc biệt. Ngay cả khi những lời khuyên của Đức Đại lai Lạt ma cũng có thể biến hóa trong một bài báo cáo, đem đến sự kết hợp độc đáo giữa bằng chứng khoa học và tư duy triết học.

 

GS. Shigeru Saito, Chủ tịch Hội tim mạch Nhật Bản kể rằng, ấn tượng đầu tiên của ông với BS. Tuấn là một người còn khá trẻ, thanh tú, có phong thái nho nhã phương Đông đặc trưng và rất tự tin. Đó là lần đầu tiên ông nghe BS. Tuấn báo cáo khoa học tại Hồng Kông hoàn toàn bằng tiếng Pháp, giao lưu với mọi người đều bằng tiếng Pháp. Nhưng lần sau ông gặp lại anh ở một hội nghị khoa học quốc tế khác thì rất ngạc nhiên khi nghe BS. Tuấn tham gia báo cáo hoàn toàn bằng tiếng Anh rất nhuần nhuyễn. Mỗi lần đến Hà Nội làm việc, ông được hiểu rất nhiều về nền văn hóa nơi đây, về những con phố, về loài hoa sữa đặc trưng của mùa thu Hà Nội…từ một người con của Hà Nội - BS. Nguyễn Quang Tuấn.

 

Khi nói về người học trò xuất sắc của mình, GS. Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam - đã dành cho anh một câu: “con người này quả thực là không nhàm chán”.

 

Phía sau ánh hào quang

 

Giải nhất nhân tài đất Việt năm 2010 lĩnh vực y tế về đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông” vinh danh PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn và TS. Phạm Mạnh Hùng, khẳng định trình độ làm chủ những kỹ thuật cao trong y tế của các bác sĩ Việt Nam. Giải thưởng là sự ghi nhận của xã hội, là sự động viên khích lệ. Nhưng ngay cả khi không có những giải thưởng đó thì hằng ngày những người bác sĩ như anh vẫn âm thầm làm việc và cống hiến. Bởi đối với họ công việc cũng tự nhiên như hơi thở, như nhịp đập của trái tim.

 

Vào ngày thứ hai của khoá học nội trú (năm 1994), GS. Phạm Gia Khải  đưa BS. Tuấn đến một căn phòng tuềnh toàng của Viện tim mạch, có vài dụng cụ đơn giản, bảo đó là phòng thủ thuật can thiệp. Anh chia sẻ “Lúc bấy giờ tôi mới biết đến TMCT qua đọc sách nên khi đến phòng đó tôi chỉ thấy giống như một cái kho đựng đồ lặt vặt! Nhưng cũng ngay từ giây phút đó tôi cảm nhận được cơ hội tuyệt vời mà thầy Khải dành cho tôi, dù có thể lúc đó nhiều người cho là mạo hiểm vì không hiểu tôi sẽ làm gì để TMCT thực sự hiện diện ở nơi đây”.

 

GS. Khải kể rằng: “Năm 1995, tôi giới thiệu BS Nội trú Nguyễn Quang Tuấn sang học ở Pháp, đề tài là “Tim mạch học can thiệp”, một chuyên ngành lúc đó Việt Nam còn ở bước sơ khai, mà nhu cầu thì rất nhiều trong điều trị. Tôi được bạn đồng nghiệp ở Pháp cho biết ngoài những giờ làm việc rất hăng say ở phòng thông tim mạch, Tuấn còn tập luyện đều đặn, mỗi sáng chạy 5km và học võ Aikido”.

 

Sau khi đi du học tại Pháp, Mỹ, BS. Tuấn về nhận công tác tại Viện tim mạch Việt Nam. Anh ám ảnh mãi về ca can thiệp đầu tiên thất bại. Lúc ấy, trình độ kĩ thuật của Việt Nam còn non nớt, trang thiết bị y tế lạc hậu, đội ngũ bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm, việc điều trị vẫn trông chờ vào may rủi. Thời điểm bắt đầu áp dụng phương pháp điều trị bằng can thiệp đã vấp phải nhiều rào cản. Chi phí trung bình cho mỗi ca can thiệp động mạch vành khoảng 2.000 USD, vào lúc đó là quá lớn đối với nhiều bệnh nhân (năm 1997). Nhiều người vẫn chưa tin tưởng vào khả năng của các bác sĩ Việt Nam và cũng chưa biết nhiều về phương pháp điều trị này. Sự xuất hiện của TMCT cũng không nhận được sự ủng hộ ngay của các đồng nghiệp khác trong nước. Nong động mạch vành bị tắc vì xơ vữa động mạch còn bị cho là quá xa vời, vì nhiều người cho rằng đó là bệnh của riêng các nước phát triển. Bởi thế, thời gian đầu, trung bình mỗi năm chỉ có 8-10 ca tới điều trị. Phải tới năm 1999, phương pháp này mới được ứng dụng rộng rãi.

 

Sự phát triển mạnh mẽ của TMCT đang thu hút rất nhiều bác sĩ trẻ. Nhưng đó là một công việc không kém phần nghiệt ngã. Hầu hết những bác sĩ làm can thiệp đều bị đứt gãy nhiễm sắc thể vì họ phải tiếp xúc trực tiếp với các tia phóng xạ trong lúc làm can thiệp. Nguy cơ ung thư, vô sinh hay sinh con dị tật là rất lớn. Đối với BS. Tuấn, mỗi lần vợ mang thai, anh vừa hạnh phúc vừa hồi hộp lo lắng, ngay cả khi siêu âm thai biết con đầy đủ chân tay nhưng vẫn chưa hết lo. GS. Khải là người hiểu hơn ai hết điều này, mỗi khi biết vợ anh sinh con, câu đầu tiên GS hỏi là “con cậu sinh ra bình thường chứ?”. Anh bảo nhìn hai đứa con lớn lên khỏe mạnh như những đứa trẻ khác anh như trút được gánh nặng âm thầm trong lòng. 

 

Nơi tình yêu bất diệt

 

Là người hồi sinh rất nhiều những quả tim ngừng đập, tự tin cứu sống những nhân vật của quốc gia đại sự và là một trong số ít bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn ngang tầm với nhiều tên tuổi của lĩnh vực tim mạch thế giới…nhưng trớ trêu thay PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn lại bất lực trước bệnh tật của mẹ mình. Anh như chết lặng khi biết mẹ bị u não giai đoạn cuối! Cuộc sống đôi khi vẫn xảy ra những điều lạnh lùng, tàn nhẫn buộc con người ta phải dũng cảm đối mặt.

 

Anh nói rằng mình là “khúc ruột thứ 6” của mẹ trong gia đình có 8 anh chị em. Nhà đông con, mỗi đứa một tính nhưng ai cũng được nhận tình yêu thương vô bờ bến và sự bao dung, che chở của mẹ. Người phụ nữ đảm đang và sâu sắc đó không bao giờ đặt mục tiêu, nhiệm vụ nào cho các con nhưng từ bé anh đã cảm nhận sự kỳ vọng lớn lao của mẹ dành cho anh, thấu hiểu những hy sinh vất vả mà bà chịu đựng vì con. 17 tuổi, lần đầu tiên cậu học trò Nguyễn Quang Tuấn rời xa vòng tay mẹ, rời xa Hà Nội một mạch lên chiến trường biên giới phía Bắc. Sau 3 tháng huấn luyện xuất sắc anh lính tên lửa được thưởng mấy ngày phép về thăm nhà, cảm giác lâng lâng khoác trên vai ba lô nhẹ tênh, sải chân trên phố, hình ảnh mẹ với nụ cười đôn hậu và ánh mắt mừng vui nhưng loáng nước đứng đợi anh trước hiên nhà đã khắc sâu trong anh. Mỗi lần nhận được thư anh mẹ đều đọc đi đọc lại, nhiều đêm bà ngồi lặng lẽ một mình và âm thầm khóc vì nhớ thương con… Rồi anh trở thành bác sĩ, làm giảng viên đại học, đi Tây, đi Tàu triền miên nhưng mỗi khi trở về bên mẹ anh vẫn luôn cảm thấy mình bé nhỏ và cần được chở che.

 

Có câu chuyện kể rằng: Vào một ngày nắng ấm áp, một thiên sứ xuống trần gian dạo chơi. Ngài tìm thấy 3 kỷ vật đẹp đẽ nhất nơi trần thế và quyết định mang về thiên đàng, đó là những bông hoa hồng rực rỡ, nụ cười thơ ngây trong trẻo của cậu bé dành cho mẹ và tình yêu của người mẹ trào dâng như dòng nước từ một con sông đang chảy vào nôi và vào lòng cậu bé. Trước khi bước vào ngọ môn, thiên sứ kiểm tra lại những kỷ vật mang về thì nhận ra những đóa hồng đã héo, nụ cười của cậu bé cũng dần nhạt phai. Kỳ lạ thay chỉ có tình yêu của người mẹ là vẫn giữ được vẻ đẹp tinh khôi trong suốt chặng đường đến thiên đàng. Câu chuyện xúc động và đầy tính triết lý này khiến tôi tin rằng BS. Nguyễn Quang Tuấn vẫn luôn được mẹ dõi theo những bước đi của anh, bà sẽ mãn nguyện và thanh thản biết bao khi thấy con trai đạt nhiều hơn những thành công và vơi dần đi những trở trăn, phiền muộn…Dù rằng bà đã ở một nơi rất xa, nơi tình yêu bất diệt của những người mẹ được trân trọng cất giữ.

 

Theo Lê Hảo

Sức khỏe & Đời sống