Giải thưởng lĩnh vực Y dược:

“Thông động mạch vành” đoạt giải Nhân tài Đất Việt với tính thực tiễn cao

(Dân trí) - Ngay sau khi được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Y dược với công trình khoa học “Kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng ống thông”, <i>Dân trí</i> đã có cuộc gặp gỡ với TS Phạm Mạnh Hùng, Viện Tim mạch, BV Bạch Mai, đại diện nhóm tác giả.


“Thông động mạch vành” đoạt giải Nhân tài Đất Việt với tính thực tiễn cao - 1

Nhóm tác giả được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2010 lĩnh vực Y dược: PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (phải) và TS. Phạm Mạnh Hùng. (Ảnh: Hữu Nghị)

Xin chào TS Phạm Mạnh Hùng, ông có thể chia sẻ cảm giác của ông ngay sau khi được trao giải thưởng cao quý Nhân tài Đất Việt?
 
Thật bất ngờ, đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia giải thưởng Nhân tài Đất Việt và đoạt giải. Sau nhiều năm chúng tôi theo dõi và đánh giá đây là một giải uy tín đã được tổ chức hàng năm và thu hút nhiều nhà khoa học trẻ say mê với các công trình nghiên cứu. Và hầu hết những công trình khoa học đó đều có tính ứng dụng thực tiễn cao.
 
Ông có thể nói ngắn gọn để mọi người dễ hiểu hơn về công trình khoa học mà nhóm ông vừa đoạt giải?  
 
Khi bệnh nhân bị “tắc” động mạch thì bằng các đường chọc rất nhỏ qua đường động mạch đùi hoặc qua đường động mạch “quay”, sau đó luồn ống thông đường kính khoảng 2mm, luồn lên trên tim để tìm ra chỗ động mạch vành bị hẹp hoặc tắc. Sau đó luồn thiết bị như quả bóng để thông cho động mạch rộng ra hoặc đặt ống stent làm như một khung giá đỡ để cho động mạch vành bị hẹp, hay bị tắc được thông suốt.
 
Hiệu quả mang lại từ việc áp dụng “Kỹ thuật can thiệp động mạch vành bằng ống thông” là gì, thưa ông?
 
Với kĩ thuật này thì tốn rất ít thời gian và mang lại hiệu quả to lớn cho người bệnh. Chẳng hạn người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp thì việc thông động mạch vành đòi hỏi phải chạy đua với thời gian, mở thông động mạch vành càng sớm càng tốt thì mới có cơ hội cứu sống người bệnh. Khác với những kĩ thuật thông động mạch vành trước đây là “mổ phanh”, hay dùng thuốc tiêu huyết khối có những hạn chế riêng của nó.
 
Bên cạnh đó, nhờ việc thông động mạch vành như vậy thì các thể loại bệnh trước đây mình không làm gì được ví như bệnh “trên nhồi máu tim cấp” hoặc các thể bệnh động mạch vành khác thì qua việc thông tắc động mạch vành thì ít nhất mình cũng có thể phát hiện và khẳng định có hay không tắc, hẹp động mạch vành ở thể trạng ra sao để mình đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất.
 
Tuy nhiên, đây là một biện pháp can thiệp ở trình độ công nghệ cao thì chi phí theo cách tính đơn thuần ở một khía cạnh thì thấy khá tốn kém. Nhưng tính hiệu quả cho cuộc sống của bệnh nhân về lâu dài với chi phí như vậy và mang lại chất lượng cuộc sống cho người bệnh thì chi phí đó hoàn toàn hợp lí và mang lại hiệu quả tốt hơn so với các biện pháp can thiệp khác trước đó từng làm.
 
“Thông động mạch vành” đoạt giải Nhân tài Đất Việt với tính thực tiễn cao - 2

TS Phạm Mạnh Hùng bày tỏ niềm vui và sự bất ngờ khi được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2010 trong lĩnh vực Y dược. (Ảnh: Tiến Nguyên)
 
Thực tế, tại một số nước phát triển trên thế giới họ đã áp dụng điều trị bệnh nhân động mạch vành từ những năm cuối thập niên 70, và phát triển đi vào thường quy từ những năm 80. Là những nhà khoa học “đi sau”, ông và đồng nghiệp đã kế cận, học hỏi được những gì từ những thế hệ các nhà khoa học đi trước?
 
Thực tế thì việc “nong” động mạch vành được ông Gruntzig người Thụy Sĩ,  trình bày từ năm 1978, và được giới khoa học y tế đón nhận hồ hởi. Tuy nhiên lúc bấy giờ nhiều người vẫn còn lo ngại. Nhưng trong thực tế kĩ thuật đặt ống stent ở Pháp cũng chỉ được thực hiện từ năm 1984.
 
Sau đó đến cuối những năm 1980, mới phát triển và đi vào thường quy. Việc tiếp cận đặt ống stent nong động mạch vành ở Việt Nam muộn nhưng không phải quá chậm so với thế giới.
 
Ví dụ, mặc dù việc điều trị động mạch vành đã trở thành thường quy như vậy, nhưng trong những trường hợp cụ thể như điều trị, can thiệp cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp thì các nước phát triển đến năm 2000 họ mới triển khai thường quy, lúc này ở Việt Nam việc điều trị đó cũng bắt đầu được triển khai như vậy.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, sự phát triển trong việc điều trị động mạch vành cho người bệnh, chúng ta được kế thừa và được sự giúp đỡ rất nhiều của bạn bè các nhà khoa học trên thế giới. Nhất là khi chúng tôi bắt đầu tiến hành cho việc áp dụng điều trị bệnh nhân động mạch vành bằng phương pháp stent đã được các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới chỉ dạy tận tình theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Vì thế chúng tôi luôn cám ơn họ về điều đó.
 
“Thông động mạch vành” đoạt giải Nhân tài Đất Việt với tính thực tiễn cao - 3

TS Phạm Mạnh Hùng. (Ảnh: Tuấn Hợp)
 
Công trình “Thực hiện kĩ thuật can thiệp động mạch vành qua đường ống thông” hiện đang được áp dụng điều trị cho bệnh nhân ở Việt Nam như thế nào thưa ông?
 
Chúng tôi rất vui mừng vì hiện nay kĩ thuật đặt ống stent điều trị bệnh động mạch vành được triển khai khá rộng rãi ở Việt Nam. Từ những năm 1998 - 1999, khi mà Trung tâm Tim mạch thuộc viện Bạch Mai ra đời cùng với một Trung tâm Tim mạch của Viện 108 thực hiện việc đặt ống stent thì hiện nay cả nước có 26 Trung tâm và hầu hết các vùng miền đều đang phát triển rất mạnh cho việc điều trị bệnh động mạch vành như vậy.
 
Và các con số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh động mạch vành theo phương pháp kĩ thuật can thiệp bằng ống thông tăng lên nhanh chóng. Ví dụ, những năm đầu tiên thực hiện việc đặt ống thông điều trị cho bệnh nhân động mạch vành, tính cả nước số lượng bệnh nhân đó chưa đến con số một trăm. Nhưng theo thống kê năm 2009, số lượng bệnh nhân khám và điều trị bệnh động mạch vành khoảng 5 nghìn người, trong đó khoảng 3000 bệnh nhân dùng phương pháp đặt ống stent thành công và sự thành công trong việc điều trị bệnh nhân động mạch vành bằng phương pháp kĩ thuật đặt ống thông sẽ ngày càng thành công hơn nữa.
 
Xin cám ơn ông!
 
 
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 16,5 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới chết do nguyên bệnh tim mạch, mà chủ yếu là do bệnh động mạch vành.
 
Tại Việt Nam số người bị mắc bệnh động mạch vành tăng lên nhanh chóng trong nhiều năm trở lại đây. Năm 1997 có 1,2%, đến năm 2003 là 12% và năm 2007 con số bệnh nhân bị mắc động mạch vành tăng lên đến 24%, một con số đáng báo động.
 
Năm 1995, ca động mạch vành đầu tiên được Viện tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai chiếu chụp. Năm 1996, ca động mạch vành được tập thể bác sĩ Viện tim mạch “nong” với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài.
 
Năm 1997 ca động mạch vành đầu tiên được đặt ống stent tại Viện tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai với sự cố gắng của tất cả các bác sĩ trong Phòng thông tim và đặc bệt là sự mạnh dạn của những thế hệ giáo sư, bác sĩ đi trước giao việc cho lớp trẻ kế cận để hội nhập nắm bắt được những kĩ thuật tiên tiến.
 
Đến cuối những năm 90 đầu năm 2000, biện pháp can thiệp tim mạch được các kíp bác sĩ triển khai thuần thục. Sau đó được ứng dụng đi vào thường quy, mang lại những hiệu quả thành công to lớn trong lĩnh vực tim mạch.
 
Hồng Ngân - Sông Lam